Định giá đất vẫn còn khúc mắc

author 16:31 22/12/2012

(VietQ.vn) - Trong phiên họp thứ 13 hồi trung tuần tháng 12/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai.

Sự kiện: Bất động sản

Sở hữu toàn dân, nhưng phải làm rõ các quyền

Theo Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Kinh tế, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được thực hiện ổn định từ năm 1980 đến nay phù hợp với chế độ xã hội ở nước ta; cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Hơn nữa, việc quy định như dự thảo Luật là phù hợp với hiến pháp hiện hành và đường lối của Đảng về đất đai.

Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế đã chỉnh lý quy định về thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn theo hướng thống nhất giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉnh lý quy định tại khoản 3 Điều 131 để bảo đảm việc thu hồi phần diện tích đất liền kề công trình kết cấu hạ tầng và vùng phụ cận phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Luật cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.
Luật cần được duy trì nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, liên quan đến việc thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư; nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất… dự thảo luật đã có quy định Nhà nước thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phù hợp với quy hoạch thì cho phép nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Đề cập đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo trình UBTVQH lần này được chỉnh lý theo hướng người bị thu hồi đất thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng; nếu không có đất thì được bồi thường bằng tiền, bảo đảm đủ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tương đương với giá trị quyền sử dụng đất của đất bị thu hồi. Dự thảo luật cũng quy định: chỉ hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp vì đây là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ việc thu hồi đất do hết đất sản xuất. Còn các chủ thể khác như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, người nghỉ hưu đã có nghề, thu nhập ổn định thì không đặt ra vấn đề hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Dự thảo Luật tiếp tục giao Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đối với từng loại đất.

Chưa rõ nhiều nội dung

Đại diện cơ quan được Chính phủ giao thẩm định dự luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị đưa vào luật nội dung “Tòa án phải có quyền phán quyết cao nhất đối với những tranh chấp đất đai”, để đảm bảo tính khách quan. Việc đấu giá quyền sử dụng đất nên giao cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện, không cần thiết phải lập tổ chức đấu giá đất riêng biệt.

Vị Thứ trưởng giải thích: “Cả nước hiện nay đã có hàng trăm tổ chức hành nghề đấu giá với khoảng 1.000 đấu giá viên chuyên nghiệp, chưa sử dụng hết công suất. Bên cạnh đó, yêu cầu công chứng, chứng thực bắt buộc đối với một số loại hợp đồng giao dịch về đất đai cần được giữ lại để đảm bảo tính chặt chẽ, quyền lợi hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch, ổn định xã hội”.

Theo ông Tụng, sau một thời gian thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng bỏ hoàn toàn yêu cầu công chứng, chứng thực bắt buộc với các giao dịch về đất đai, Thủ tướng đã có văn bản điều chỉnh lại quy định theo hướng này.

Nhiều vấn đề khác trong dự thảo luật cũng được các thành viên UBTVQH đề nghị làm rõ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước yêu cầu phân định rõ thực chất quyền sở hữu và quyền sử dụng. Theo ông, khi xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì việc định giá phải đặc biệt, không như những tài sản khác và chủ thể quyết định giá phải là nhà nước. Giao cho tư nhân định giá là không hợp lý.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng tập trung phân tích một số điểm còn bất hợp lý trong các quy định về việc thực hiện các quyền về đất, quy hoạch sử dụng các loại đất; cấp các loại giấy chứng nhận về đất; căn cứ phân loại đất; giải pháp đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, đặc biệt là giữ đất trồng lúa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Luật thể hiện có phần còn đơn giản, trong khi còn cơ man nào là việc. Tôi cảm nhận qua thảo luận ở Quốc hội thì dự thảo chưa đạt yêu cầu, mà tiếp thu như thế này thì không có chỉnh sửa gì lớn so với bản dự thảo đã trình Quốc hội. Cho nên có ý kiến cho là nếu thông qua luật này ngay kỳ họp tới cũng còn là hơi vội. Tôi cho rằng luật này nên thể hiện đầy đủ như Bộ Luật Lao động để sau này thực hiện. Nếu thấy chưa đủ kỹ, chưa đủ sâu thì phải lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện thêm, chưa vội ban hành.  

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang:

Sẽ trình kèm 5 nghị định hướng dẫn

Nhiều vấn đề cụ thể mà Chủ tịch Quốc hội và thành viên UBTVQH nêu sẽ được quy định tại 5 nghị định mà chúng tôi đang xây dựng, hoàn thiện. Đó là các nghị định về hướng dẫn thi hành luật; xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; bồi thường hỗ trợ tái định cư; tiền sử dụng đất và giá đất. Khi trình dự án luật để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tới, chúng tôi sẽ trình kèm 5 dự thảo nghị định này.

Trong một động thái khác, tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sửa luật Đất đai vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Australia tổ chức tại Hà Nội, nhiều ý kiến chia sẻ quan điểm cho rằng, chỉ khi người dân được cung cấp và được tiếp cận với các thông tin về đất đai một cách rõ ràng, công khai và minh bạch thì khi đó chuyện nhũng nhiễu chính sách mới giảm. Chính sách về đất đai nên có tính bền vững, không nên thay đổi thường xuyên. Ngoài ra, khung pháp lý cần rõ ràng, đơn giản, thiết lập các quyền và quy định cơ bản nhất.

Về định giá đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến đã đưa ra một số điểm mới về nguyên tắc xác định giá cũng như bãi bỏ quy định công bố bảng giá đất mới hàng năm ở các tỉnh thành. Những nội dung này vẫn đang tiếp tục được thảo luận. Tuy nhiên, theo nhận định từ chính Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nhà nước vẫn chưa có cơ quan định giá chuyên nghiệp mà chủ yếu theo cơ chế hội đồng liên ngành; chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc xây dựng, cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Nhiều địa phương còn quyết định giá đất thấp để thu hút đầu tư, để giảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi…

Cẩm Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang