Doanh nghiệp dệt may tập trung phát triển thị trường nội địa

author 06:03 13/03/2021

(VietQ.vn) - Để có thể chiếm lĩnh thị trường, đồng thời tăng sức cạnh tranh với các đối thủ có thương hiệu đến từ nước ngoài, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải không ngừng đầu tư, nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiện, với dân số hơn 97 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 3.500 USD, thị trường trong nước được coi là mảnh đất “màu mỡ” để các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh phát triển, gia tăng thị phần. Cùng với đó, không ít người tiêu dùng theo xu hướng chuyển sang lựa chọn hàng may mặc của Việt Nam để tìm đến với các sản phẩm chất lượng mà giá cả hợp lý.

Nắm bắt cơ hội này, nhiều thương hiệu thời trang của các công ty lớn trong nước đã vạch ra những chiến lược kinh doanh để khai thác thị trường nội địa đầy tiềm năng. Thế nhưng, để có thể chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh với các đối thủ có thương hiệu đến từ nước ngoài là câu chuyện không dễ dàng.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tập trung phát triển thị trường nội địa. Ảnh minh họa.

Nói tới xu hướng phát triển hàng thời trang hiện nay, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, ông Thân Ðức Việt cho biết, nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thời trang ngày càng tinh tế, chính vì vậy, các thương hiệu thời trang cần bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng tại các vùng miền trên cả nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Ðầu tư và thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cũng cho biết, để phát triển thị trường bán lẻ đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều công sức từ nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, đầu tư sản xuất cho tới thuê mặt bằng, xây dựng chính sách, chiến lược bán hàng,... Nếu làm tốt các công đoạn này, lúc đó mới có thể gia tăng thị phần và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Còn theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp muốn phát triển thị trường trong nước phải có sự hỗ trợ về mặt bằng. Bởi khâu này chiếm chi phí rất cao, đã làm đội giá sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng dệt may ngay ở thị trường trong nước.

Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu; đầu tư, đào tạo đội ngũ thiết kế, nhân viên bán hàng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, sẵn sàng giải quyết những khúc mắc của khách hàng. Các cơ quan liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng nhập lậu, buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc nhằm bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp mới xây dựng thương hiệu tham gia giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ thông qua giảm giá thuê  mặt bằng để giới thiệu những thương hiệu mới của Việt Nam và giúp người tiêu dùng nhận diện hàng trong nước. Có như vậy, mới tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước yên tâm đầu tư, phát triển, chiếm lĩnh thị trường.

Xây dựng thương hiệu ngành dệt may Việt Nam(VietQ.vn) - Trong thời gian tới, ngành dệt may cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, đồng thời phát triển công nghiệp phụ trợ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang