Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động lại tăng đột biến

author 10:15 01/05/2013

(VietQ.vn) - Chỉ tính đến hết quý I/2013 đã có trên 15.200 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 2.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lại chết như "ngả rạ"

Hiện tại TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Con số các doanh nghiệp rời thị trường lên đến 5.000 doanh nghiệp theo như công bố của Cục Thống kê TP. HCM.

Đặc biệt, riêng trong tháng 3/2013, số doanh nghiệp rời thị trường của TP. HCM tương đối lớn, lên tới 1.500 doanh nghiệp, tăng 56% so với tháng trước nhưng đã giảm so với số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 1.

 

Tại Hà Nội, số liệu công bố mới nhất của Cục Thuế TP Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm 2013 đã có gần 3.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ngừng hoạt động. Trong số các DN ngừng hoạt động, có 108 DN thuộc diện phải giải thể; 1.317 DN  bỏ trốn và 1.476 DN ở tình trạng tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

Một số liệu khác của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho thấy, đã có hơn 15.000 doanh nghiệp giải thể trong quý I/2013.

Cụ thể trong quý I/2013, tính đến ngày 15/3, có tới 15.200 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 2.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng,, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các thị trường xuất khẩu suy giảm đã tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của cộng đồng DN. Thêm vào đó, do kinh tế khó khăn, sức mua trên thị trường suy giảm đã khiến lượng hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng vẫn ở mức cao nên DN chưa vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình doanh nghiệp trong quý I xấu hơn năm 2012, thậm chí là quý I xấu nhất trong nhiều năm nay.

Trước đó, một thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 31/12/2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động là 54.261 doanh nghiệp. Ccon số này cao hơn so với năm 2011 là 53.922 doanh nghiệp.

Khẩn cấp cứu doanh nghiệp

Tình thế nói trên đặt ra câu hỏi, giải cứu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV ) như thế nào trước khi quá muộn? Ông Vũ Quốc Tuấn - nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn chậm trễ và chưa đều khắp.

"Thuế là vấn đề đau đầu nhất đối với các doanh nghiệp khu vực này. Nhiều câu hỏi đặt ra là khi nào giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV trong khi thực tế các doanh nghiệp này đang ở tình cảnh rất khó khăn bi đát” – ông Tuấn nói.

Mô tả ảnh.
Cần tăng tốc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV - Ông Vũ Quốc Tuấn - nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam

Ông Bùi Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp khối tư nhân năng động, làm ăn hiệu quả thì lại phá sản, còn doanh nghiệp trì trệ, bết bát trong khối doanh nghiệp nhà nước lại sống khỏe – đấy là vấn đề bất cập và vô lý.

“Chúng ta đang có bàn luận rất sôi nổi về chuyện giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh khoảng 0,1% trong giai đoạn 2008 – 2012. Nếu chúng ta dùng khoảng 30.000 tỷ đồng để cứu thị trường này thì đấy là cách làm ngược. Trong khi nhiều ngành có sự đóng góp mạnh cho sự tăng trưởng kinh tế như sản xuất, chế tạo, xuất khẩu… tham gia vào chuỗi giá trị phát triển và là những điểm sáng của nền kinh tế năm 2012 thì lại không được giải cứu. DNNVV cần phải được hỗ trợ ngay chính từ nguồn vốn ban đầu, cần phải có ngay biện pháp giải cứu bằng cách giảm lãi suất cực thấp. Nếu khu vực doanh nghiệp này phải chờ đến sự hỗ trợ từ phía nhà nước sau nhiều thời gian thảo luận nữa thì e rằng, sẽ không còn có cơ hội tồn tại”, ông Bùi Quang Tuấn nói.

DNNVV là xương sống của nền kinh tế - Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI

Khu vực DNNVV mặc dù chiếm tới 95% số lượng doanh nghiệp và sau này có lẽ là lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, khu vực DNNVV đang ở trong giai đoạn tự thân vận động, chưa được sự hỗ trợ thích đáng và cụ thể từ phía nhà nước, cụ thể như mặt bằng cho vay vốn rất sản xuất, kinh doanh, giảm hàng tồn kho còn cao tới 13% - 14%/năm. Nếu DNNVV phải chịu lãi ở mức độ này thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại được.

Cũng theo ông Tuấn, chúng ta cần phải cứu những thị trường nào có đóng góp trực tiếp cho sự tăng trưởng thì nên làm, riêng đối với thị trường bất động sản còn phải luẩn quẩn tại chỗ trong vòng 3 – 4 năm nữa, bởi để giải quyết vấn đề này là phải cần rất nhiều tiền, trong khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề đầu ra, thậm chí là chúng ta còn phải tính đến việc vay tiền người nước ngoài như thế nào.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), DNNVV là xương sống của nền kinh tế thời gian vừa qua đã mất đi nhiều, cần thiết phải nghiên cứu, ban hành luật về DNNVV trong thời gian tới. Về thuế, phí cần phải quy định rõ ràng, có ưu đãi đối với riêng DNNVV, cần đề cao vai trò của doanh nghiệp đồng thời cần phải có có chương trình hỗ trợ cụ thể, liên kết giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Mô tả ảnh.
Nếu tiếp tục phải chờ đến sự hỗ trợ từ phía nhà nước, e rằng doanh nghiệp sẽ không còn có cơ hội tồn tại - Ông Bùi Quang Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Còn theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ ngày 17/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Quỹ Phát triển DNNVV để hỗ trợ các doanh nghiệp này có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ.

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ cho quỹ này phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực này nâng cao khả năng cạnh tranh, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động.

Riêng tại Hà Nội, trong quý II, Cục Thuế Hà Nội sẽ khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Cả nước hiện có 13.600 hợp tác xã đang hoạt động, tăng đáng kể với mức 118,3% về số lượng và 62,8% về lao động. Trong đó, số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 52%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 24%, dịch vụ chiếm 24%.

Thảo Lê

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang