Dự thảo sửa đổi hiến pháp: Doanh nhân ở đâu?

author 13:35 06/06/2013

(VietQ.vn) - Có tới 3 phương án trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho Điều 54 về các thành phần kinh tế được trình ra Quốc hội. Đây là một trong số rất ít điều khoản được Ban soạn thảo đưa ra nhiều phương án, cho thấy vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về sự bình đẳng thật sự trong môi trường kinh doanh.

Thực tế, ý kiến phát biểu tại nghị trường của các nhà lập pháp về vấn đề này cũng vẫn chia thành ba luồng, hay chính xác hơn là hai; bởi hai phương án đầu trong dự thảo Điều 54 không khác nhau, phương án 1 chỉ nêu cụ thể hơn về từng thành phần kinh tế.

Kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo

Theo những vị đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án này, Hiến pháp tiếp tục quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước để khẳng định rõ tính chất “định hướng XHCN” của nền kinh tế Việt Nam.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đức Thụ nói, tiếp tục quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là để khẳng định rõ tính chất “định hướng XHCN” của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, điều này không có gì mâu thuẫn hoặc cản trở sự phát triển kinh tế thị trường.

Dường như vẫn chưa yên tâm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị lựa chọn phương án 1, phương án quy định rất cụ thể về vai trò, vị trí của từng thành phần kinh tế.

Tiếp tục quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là để khẳng định rõ tính chất “định hướng XHCN”.
Tiếp tục quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là để khẳng định rõ tính chất “định hướng XHCN”.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH bày tỏ đồng tình cao với cách thể hiện của phương án 3, theo đó: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế". Theo ông Phúc, các thành phần kinh tế đều bình đẳng, đề cập như trên là đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp.

Trong các vị ĐBQH tham gia phát biểu về vấn đề này tại nghị trường, số ý kiến ủng hộ từng phương án gần như tương đương nhau, Đoàn thư ký kỳ họp cho biết.

Cần khuyến khích doanh nhân chung tay góp sức

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tỏ ra đầy trăn trở, không chỉ vì câu chuyện quy định như thế nào về các thành phần kinh tế.

Ngay tại Điều 2 của Dự thảo về bản chất của nhà nước và những nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước; ông Lộc đồng tình với loại ý kiến thứ hai khẳng định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc" (không nêu rõ liên minh nền tảng như loại ý kiến thứ nhất).

“Còn nếu cần phải khẳng định nền tảng là khối liên minh giữa một số giai tầng xã hội, thì cần bổ sung thêm đội ngũ doanh nhân và coi đây một bước phát triển mới của liên minh nền tảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, với vai trò ngày càng tăng của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, việc bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo động lực cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới.

Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng cũng là trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân trong công cuộc kiến quốc. Liên minh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng đã được Đảng ta, Bác Hồ và Quốc dân Đại hội tại Tân Trào khẳng định khi chọn Quốc kỳ với ngôi sao vàng năm cánh là biểu tượng cho 5 giai tầng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc: sỹ - nông - công - thương - binh... Một sự ghi nhận như vậy trong Hiến pháp sẽ có sức cổ vũ động viên to lớn đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam với vai trò là lực lượng chủ công xung kích trong công cuộc chấn hưng đất nước.

Dự thảo Hiến pháp mới lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân...
Dự thảo Hiến pháp mới lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân...

Chủ tịch VCCI phát biểu đầy tâm tư tại nghị trường: “Nếu ở Điều 2 của bản Hiến pháp sửa đổi chúng ta không nhắc tới doanh nhân thì trong cả bản Hiến pháp sửa đổi lần này cụm từ "doanh nhân" không xuất hiện. Trong khi đó các giai tầng xã hội khác đều được nhắc tới trong dự thảo Hiến pháp và có chế định về họ như nông dân, công nhân, trí thức, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh. Nói một cách hình tượng chúng ta có thể thấy cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc rất mạnh trong bản Hiến pháp mới nhưng lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân”.

Trong câu chuyện với báo giới, ông Cao Sĩ Kiêm cũng nhấn mạnh vai trò tạo động lực tăng trưởng của tầng lớp doanh nhân, nhưng cho rằng để khẳng định đây là một trong 5 giai tầng cấu thành khối liên minh nền tảng thì phải làm rõ thêm cơ sở lý luận. Để động viên, khuyến khích tầng lớp doanh nhân nỗ lực đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì có thể hiến định tại các điều khoản khác, đơn cử như bổ sung vào Điều 34 quy định: “Nhà nước khuyến khích và bảo hộ hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nhân”...

Có thể thấy, dù thể hiện cách nào thì định hướng nền kinh tế Việt Nam vẫn luôn được xác định rõ ràng và thống nhất là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Dù có nói đến “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước hay không thì vai trò của nhà nước trong quản lý và điều tiết nền kinh tế là đương nhiên và không thay thế được. Thông qua hệ thống ngân hàng, tài chính, bằng các công cụ thuế, tỷ giá, lãi suất..., Nhà nước đã và đang định hướng nền kinh tế một cách hiệu quả.

Mặt khác, khi nói đến “thành phần kinh tế chủ đạo”, một cách logic, sẽ làm nảy sinh mối băn khoăn không phải không có cơ sở, rằng: vậy thì các thành phần kinh tế “không chủ đạo” liệu có thể cạnh tranh thực sự bình đẳng hay không?

Khép lại bài phát biểu của mình trước Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc đề cập đến một vấn đề tế nhị khác: chúng ta đang trong quá trình hội nhập thực hiện các đàm phán để gia nhập các hiệp định thương mại tự do với các nước - một động lực phát triển mới của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn mới. Trong suốt quá trình  đàm phán đầy khó khăn đó, chúng ta đã phải thuyết phục các nước công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Quá trình hội nhập quốc tế trong thời gian tới rất có thể sẽ còn khó khăn hơn nữa, khi mà với một số phương án quy định tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngay cả giới doanh nhân trong nước cũng còn băn khoăn về khả năng cạnh tranh bình đẳng, chưa nói đến các nhà đầu tư hay đối tác nước ngoài! 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến nhân dân trước đó (công bố tháng 4/2013) có tới 28 nội dung quan trọng được thể hiện bằng nhiều phương án để thảo luận. Dự thảo mới nhất trình QH tại đầu kỳ họp này chỉ còn 6 nội dung được thể hiện bằng nhiều phương án.

Bình An 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang