'Lan tỏa' tiện ích của Cơ chế một cửa quốc gia tới cộng đồng doanh nghiệp

author 14:36 06/03/2018

(VietQ.vn) - Theo ông Trần Quốc Tuần, cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của Cơ chế một cửa quốc gia để khuyến khích doanh nghiệp tham gia một cách sâu rộng hơn.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan, hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua đã được vận hành một cách linh hoạt, đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận

Thông tin từ Tổng cục Hải quan - Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại, cập nhật đến 22/2/2018, ngoài thủ tục thông quan hàng hóa (Bộ Tài chính), có 47 thủ tục của 10 bộ, ngành đã được đưa lên NSW. Đến thời điểm trên, tổng số hồ sơ được xử lý qua NSW là hơn 971.000 bộ, của hơn 19.200 doanh nghiệp. Riêng thủ tục thông quan hàng hóa, năm 2017, Hệ thống thông quan tự động của ngành Hải quan đã tiếp nhận 11,31 triệu tờ khai hải quan.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), quá trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ thống một cửa quốc gia cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.

“Đối với thủ tục “Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ”, thông thường có 04 đơn vị tham gia hoặc liên quan xử lý một hồ sơ là Cơ quan kiểm tra nhà  nước; Tổ chức đánh giá sự phù hợp; Cơ quan Hải quan và Doanh nghiệp. Hiện tại, phần phía doanh nghiệp khi khai báo hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) quản lý.

Tuy nhiên, khi gặp khó khăn về khai hồ sơ doanh nghiệp thường liên lạc đến cơ quan kiểm tra nhà nước thay vì liên lạc trực tiếp đến các số điện thoại hỗ trợ trên hệ thống do Tổng cục Hải quan quản lý. Vì vậy, cơ quan kiểm tra nhà nước phải hướng dẫn lại doanh nghiệp liên hệ đến đúng cơ quan giải quyết, việc này gây tốn thời gian cho cả doanh nghiệp và các cơ quan xử lý hồ sơ liên quan”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Huy Hùng 

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, việc hệ thống một cửa quốc gia mới đi vào vận hành sử dụng đôi khi có những trục trặc, gián đoạn về đường truyền, đăng nhập hệ thống… có một số trường hợp Hải quan địa phương chưa sẵn sàng tiếp nhận Thông báo kết qủa kiểm tra điện tử do cơ quan kiểm tra đã trả kết quả trên một cửa quốc gia.

“Để khắc phục tình trạng này chúng tôi đã yêu cầu giai đoạn đầu vừa áp dụng cơ chế xử lý hồ sơ điện tử vừa xử lý hồ sơ giấy trong trường hợp không gửi được hồ sơ điện tử hoặc hồ sơ điện tử chưa được ký số. Ngoài ra, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa phối hợp Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Hải quan) để hướng dẫn hải quan địa phương phân quyền truy cập và tiếp nhận Thông  báo Kết qủa kiểm tra chất lượng trên 1 cửa quốc gia”. Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa nói thêm.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam Online về việc có một số doanh nghiệp ngại tham gia Hệ thống một cửa quốc gia, ông Tuấn cho biết, mặc dù đã có tuyên truyền, tập huấn, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước đối với hàng nhập khẩu của Bộ Khoa học và Công nghệ trên Cơ chế một cửa quốc gia.

“Việc này cũng là bình thường khi có các thủ tục mới hoặc cách thức thực hiện mới. Đối với một số bộ ngành khi mới áp dụng cũng có tình trạng tương tự. Điều đó có thể là do doanh nghiệp chưa quen với việc đăng ký hồ sơ trực tuyến mà vẫn quen với việc xử lý hồ sơ giấy theo cách truyền thống.

Để khắc phục tình trạng này cần đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia cơ chế một cửa quốc gia sẽ góp phần làm các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn. Trong một số trường hợp hồ sơ có dung lượng lớn, việc điện tử hoá các hồ sơ này rồi gửi qua đường truyền theo phần mềm trên hệ thống gây mất thời gian, ách tắc đường truyền do đó doanh nghiệp lựa chọn cách thức gửi hồ sơ truyền thống”, Cục trưởng Tuấn nêu giải pháp.

Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng để thúc đẩy việc doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn,  Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đôn đốc các Chi cục Hải quan địa phương và các Doanh nghiệp đăng ký và xử lý hồ sơ kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Đồng thời, các cơ quan quản lý chuyên ngành đẩy mạnh tuyên truyền cho doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn và nghiên cứu đưa ra mốc thời gian hợp lý để chuyển toàn bộ việc xử lý hồ sơ giấy thông thường sang hồ sơ điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia.

Đối với thực hiện Cơ chế một của ASEAN, từ ngày 1/1/2018,Việt Nam đã trao đổi chính thức thông tin e-C/O form D với 4 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan). Về cơ sở pháp lý, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu giải trình ý kiến tham gia của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị định NSW, Cơ chế một của ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Trước đó, tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại, cơ quan này đã đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Ủy ban cũng phấn đấu năm 2018 triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo đúng Kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục rà soát, bổ sung các thủ tục mới vào Kế hoạch.

Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Phong Lâm

Doanh nghiệp được 'trăm cái lợi' từ Cơ chế một cửa quốc gia(VietQ.vn) - Nhờ hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc hoàn tất các thủ tục thông quan xuất nhập khẩu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang