Đưa ô tô vào kinh doanh có điều kiện: Lối đi đúng đắn để bảo vệ người dùng

authorVũ Sơn 06:45 24/11/2016

(VietQ.vn) - Việc triệu hồi xe ô tô để sửa lỗi không hiếm gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhưng các xe nhập khẩu không chính hãng "số phận" sẽ như thế nào?

Triệu hồi xe để sửa chữa lỗi khi sản phẩm đã bán xe đến tay người tiêu dùng không còn là điều mới đối với các hãng xe trên thế giới.

Ngay ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 tháng đầu năm 2016 vừa qua, đã có hơn 50.000 chiếc xe của đủ các hãng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô bị triệu hồi để sửa chữa lỗi do nhà sản xuất, bao gồm nhiều hãng xe tên tuổi như Toyota, Honda, Mazda, Ford…

Triệu hồi xe ô tô là bình thường và không hiếm gặp

Xe hơi ngày nay là một phương tiện trong đó tích hợp rất nhiều các công nghệ hiện đại để điều khiển cũng như giải trí, nên việc gặp lỗi là điều không thể tránh khỏi. Có rất nhiều lỗi liên quan từ túi khí, hệ thống cửa điện, cập nhật phần mềm..., đến các lỗi cơ khí như mối hàn cánh cửa…

Việc triệu hồi xe để sửa lỗi đã không còn là việc hiếm gặp. Ảnh minh họa 

Trung tuần tháng 10 vừa qua, công ty Toyota Việt Nam (TMV) đã phát đi thông báo chiến dịch triệu hồi gần 5300 xe ô tô bao gồm các mẫu Vios và Corolla được sản xuất trong các năm 2007, 2008 để sửa lỗi hệ thống cửa điện.

Trước đó, công ty Toyota Việt Nam cũng đã triệu hồi xe Lexus gồm các mẫu RX350 và RXturbo 200t để kiểm tra thay thế cụm bơm túi khí hành khách. Cần lưu ý rằng TMV không sản xuất lắp ráp dòng xe này mà chỉ là đơn vị nắm vai trò nhập khẩu và phân phối chính hãng xe Lexus.

Độc chiêu chiếm đoạt xe ô tô thuê của nam thanh niên để cầm cố(VietQ.vn) - Công và Nam đã đi thuê xe ô tô sau đó tháo định vị và thuê người làm giả giấy tờ, mang đi cầm cố chiếm đoạt được hàng trăm triệu đồng.

Hãng xe Honda cũng triệu hồi hơn 9700 xe bao gồm các mẫu Civic, CRV và Accord được sản xuất từ năm 2007 đến năm 2011 để sửa chữa lỗi túi khí.

Không nằm ngoài thực trạng chung,cCông ty Vina Mazda cũng buộc phải triệu hồi hơn 16.000 chiếc xe Mazda3 nhằm sửa lỗi phần mềm điều khiển hệ thống túi khí bên hông hoạt động không đúng tiêu chuẩn, có thể không phát huy tác dụng trong những trường hợp tai nạn xảy ra.

Trong các cuộc thu hồi trên diện rộng, toàn bộ chi phí nhân công cũng như phụ tùng sửa chữa thay thế sẽ được các hãng xe chi trả toàn bộ.

Có thể thấy, việc triệu hồi xe ô tô để sửa lỗi không hiếm gặp, nó là minh chứng cho việc chăm sóc, phục vụ, "theo đến cùng" sản phẩm của mình của các hãng sản xuất xe. Nhưng đó là chuyện sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng, là quyền lợi chính đáng của những người mua xe tại các cơ sở - đại lý ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất.

Còn đối với những người tiêu dùng mua xe ô tô nhập khẩu không có ủy quyền chính hãng thì họ sẽ được sửa lỗi xe như thế nào? Đây là một câu hỏi được nhiều người đặt ra khi trên thực tế, tình trạng mua xe nhập khẩu tràn lan trên thị trường đang khá phổ biến hiện nay. 

Xe nhập không chính hãng: Không được triệu hồi

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết: Các xe nhập khẩu không chính hãng thì không nắm được thông tin do không có ai thông báo nên sẽ không biết xe mình có lỗi hay không để đưa đi sửa chữa, cập nhật.

Ngoài ra, xe sản xuất cho một thị trường nhất định thì sẽ được điều chỉnh các yếu tố để phù hợp với điều kiện môi trường, khí hậu của thị trường đó. 

 Xe nhập khẩu không chính hãng sẽ không được triệu hồi. Ảnh minh họa

Khi các nhà nhập khẩu chính hãng muốn nhập xe về thì bắt buộc phải điều chỉnh cho phù hợp và được hãng thông báo, cung cấp phụ tùng cũng như đào tạo nhân công để thực hiện sửa chữa thay thế mỗi khi phát hiện ra lỗi nếu có. Nên các đại lý của chính hãng sẽ từ chối việc bảo hành và sửa lỗi của những xe nhập về của các thị trường khác.

Hay nói cách khác, các xe nhập không chính hãng sẽ không được bảo hành.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn cũng từng chia sẻ với báo chí về một thực trạng rằng: Các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật. 

Trong khi, với vòng đời dài tới vài chục năm, để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi, khắc phục, sửa chữa lỗi (nếu có) theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, biệt danh là Anh Đỏ, chủ chuỗi buôn bán xe ô tô Hòa Bình cũng cho biết: "Xe nhập không chính hãng thì không được bảo hành vì họ có bán xe sang nước mình đâu mà họ bảo hành. Họ bán ở nước họ, mình mua vài chiếc mang về thôi chứ xe không phải sản xuất cho thị trường mình. Qua thông tin (qua số VIN) nắm được xe mình có trong diện phải sửa chữa thì cũng chỉ biết mang đi sửa theo lỗi họ thông báo và phải chịu chi phí sửa chữa".

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thì nhấn mạnh: Các nhà nhập khẩu không chính hãng, không có giấy ủy quyền chính hãng thường có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất sửa chữa bảo dưỡng khiêm tốn nên dù họ có muốn bảo hành sửa chữa cũng khó. Thông thường chỉ mua bán trao tay, không bảo hành, không triệu hồi sửa lỗi, chính vì vậy, trong tình huống này, người mua muốn sửa lỗi xe thì chỉ có cách chuyển xe về nơi xuất phát, tức là nơi xuất xe đi.

Đây là những thiệt thòi của những người mua xe ô tô nhập khẩu không có ủy quyền chính hãng.

Có lẽ chính vì muốn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người cũng như đảm bảo trật tự xã hội trong kinh doanh thương mại nên mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, trong đó, bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

"Việc đưa “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là đúng đắn để bảo vệ người tiêu dùng cũng như an toàn của mọi người tham gia giao thông" - Ông Nguyễn Văn Thanh kết luận.

Vũ Sơn

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang