Đưa xe đạp điện vào chuẩn sẽ giúp người dân an toàn

author 07:22 07/12/2013

(VietQ.vn) - Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc ban hành Quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT để quản lý về chất lượng an toàn kỹ thuật loại phương tiện này. Theo đó, xe đạp điện không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sẽ bị kiểm soát gắt gao hơn.

Trịnh Ngọc Giao Cục Đăng kiểmÔng đánh giá như thế nào về thực trạng thị trường xe đạp, xe máy  điện hiện nay?

Vừa qua, phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin nhiều về nhiều trường hợp các thanh, thiếu niên điều khiển xe điện hai bánh chở 2, 3 người, chạy tốc độ khá cao, lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều người chưa phân biệt rõ thế nào là xe đạp điện, có nhiều loại xe điện hai bánh có hình dáng giống xe đạp điện nhưng có công suất động cơ và vận tốc lớn hơn nhiều so với xe đạp điện.

Trước những vấn đề phức tạp về xe đạp, xe máy điện ông có nghĩ nên có biện pháp quản lý như đang làm với xe máy hay không?

Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 08/11/2013 về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với các loại xe 02 bánh chạy điện.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 01/11/2013 và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số QCVN 68:2013/BGTVT để quản lý về chất lượng an toàn kỹ thuật loại phương tiện này.

Được biết sắp tới vào ngày 1/1/ 2014 Cục Đăng kiểm sẽ áp dụng Thông tư về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, vậy trên thực tế Cục đã chuẩn bị như thế nào cho vấn đề này?

Triển khai thực hiện Thông tư 41 và QCVN 68:2013/BGTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai đồng bộ các công việc sau: Thông báo rộng rãi về việc áp dụng các quy định liên quan đến xe đạp điện bằng văn bản cũng như trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam; Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc kiểm tra, thử nghiệm xe đạp điện; Xây dựng phần mềm quản lý, các quy trình nghiệp vụ và tập huấn cho cán bộ kiểm tra.

Có thể nói, Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc thực hiện các quy định tại các văn bản nói trên.

Khi quy chuẩn có hiệu lực, vậy sẽ xử lý như thế nào với những xe đã nhập khẩu và lắp ráp tại Việt Nam từ trước thời điểm này, bởi những chiếc xe này vốn không phải kiểm tra mẫu, không phải dán tem?

Tại Điều 15 của Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT có quy định rõ việc kiểm tra, chứng nhận chất lượng xe đạp điện sẽ được áp dụng từ 01/01/2014 và không hồi tố đối với các xe đạp điện đã được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trước ngày có hiệu lực của Thông tư này.

Ông cho biết trong nội dung quy chuẩn có nội dung phân biệt thế nào là xe đạp điện, xe máy điện hay không?

Việc ban hành QCVN 68:2013/BGTVT là căn cứ giúp người dân và các đơn vị chức năng có thể nhận biết xe đạp điện trên cơ sở các đặc điểm chủ yếu sau: Có bàn đạp; Được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được trợ lực bằng động cơ điện; Công suất động cơ không lớn hơn 250W; Khối lượng bản thân (kể cả ắc quy) không lớn hơn 40kg; Vận tốc lớn nhất không lớn hơn 25km/h.

Các loại xe điện hai bánh không đáp ứng được một trong các tiêu chí nêu trên sẽ được xếp vào loại mô tô điện hoặc xe máy điện và được quản lý theo quy định liên quan đến mô tô, xe máy đã được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Sự bát nháo của thị trường xe đạp điện sẽ được quản lý bằng quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVTSự bát nháo của thị trường xe đạp điện sẽ được quản lý bằng quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT

Với tốc độ như quy chuẩn đã quy định, vậy người tham gia giao thông trên những phương tiện này có bắt buộc phải đội MBH không thưa ông?

Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện phải tuân theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm nhẹ chấn thương khi có va chạm vì vậy tại nhiều nước trên thế giới và người nước ngoài tại Việt Nam thì ngay cả khi điều khiển xe đạp họ vẫn đội mũ bảo hiểm. 

Việc đề ra những quy chuẩn về xe đạp điện thì nhấn mạnh nhất hay nói cách khác thì trọng tâm là gì?

Một trong những nội dung trọng tâm của quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT là phân định rõ xe đạp điện với xe máy điện và đưa ra giới hạn công suất động cơ,  tốc độ của xe đạp điện.

Và  đưa xe đạp điện vào chuẩn liệu có phải là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn hay không? Và  việc áp dụng quy chuẩn này vào với xe đạp điện có khả quan không thưa ông? 

Cũng như các loại hàng hóa thuộc nhóm 2 (nhóm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn), xe đạp điện cần phải có quy chuẩn để kiểm tra, chứng nhận chất lượng nhằm góp phần giúp cho người tham gia giao thông được an toàn hơn. Các loại xe đạp điện nhập lậu, lắp ráp không đmr bảo yếu tố kỹ thuật theo tiêu chuẩn thì sẽ bị kiểm soát gắt gao và bị loại bỏ khỏi thị trường.

Để các quy định đã ban hành áp dụng trong thực tiễn một cách có hiệu quả thì ngoài sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan quản lý chất lượng, rất cần có sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Cảnh sát giao thông, các cơ quan truyền thông…

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Giáp – Thanh Uyên (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang