Dùng miếng dán say tàu xe dễ khiến con trẻ hôn mê, ngưng thở

author 11:11 02/08/2017

(VietQ.vn) - Miếng dán say tàu xe được rất nhiều phụ huynh tận dụng cho con trẻ mỗi khi du lịch ngày hè. Tuy nhiên theo các bác sĩ, cha mẹ không nên dùng thứ này cho con vì rất nguy hiểm nếu sử dụng hàng kém chất lượng.

Trẻ hôn mê, nói sảng vì dùng miếng dán chống say tàu xe

Mới đây bé gái 8 tuổi ở Hóc Môn, TP.HCM được người nhà đưa tới Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám trong tình trạng lơ mơ, la hét. Theo gia đình bệnh nhi, do đạt được thành tích tốt trong quá trình học tập, bé được thưởng chuyến đi chơi xa. Do say xe, nhưng không muốn uống thuốc nên bố mẹ mua miếng dán chống say xe, dán hai bên mang tai cho bé.

Trở về sau chuyến đi chơi, bé gái có dấu hiệu mất nhận thức, rối loạn tri giác khiến bố mẹ hết sức lo lắng. Qua thăm khám, bác sĩ xác định nguyên nhân dẫn tới bệnh tình của bé gái xuất phát từ miếng dán chống say tàu xe. Qua 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi dần hồi phục, các hành vi mất kiểm soát cũng biến mất.

Miếng dán say tàu xe có thể khiến con trẻ hôn mê, ngưng thở. Ảnh: Vietnamnet

 Miếng dán say tàu xe có thể khiến con trẻ hôn mê, ngưng thở. Ảnh: Vietnamnet

Tương tự, cách đây không lâu, chị K.T (Hà Nội) chia sẻ lên mạng xã hội rằng đã thở phào nhẹ nhõm vì gia đình vừa trải qua một biến cố liên quan đến sức khỏe của con gái 6 tuổi. Theo chị K.T, khi đưa con về quê, chồng chị đã mua miếng dán say tàu xe dán vào cho con. Do chỉ mua miếng, chồng chị không nhận được tờ hướng dẫn sử dụng và cũng không được người bán căn dặn gì thêm. Chị T. bắt đầu dán cho con lúc 6h sáng, khoảng 11h trưa khi con đi chơi về thì thấy mặt ửng đỏ, tưởng con bị say nắng nên bắt con nghỉ ngơi.

Trong chuyến đi hôm đó, con chị ngủ rất ngon và không bị nôn ói. Đến 16h cùng ngày, chị T. thấy con có biểu hiện không bình thường: miệng nói nhảm, không nhận rõ vật, đi loạng choạng, bị đâm đầu vào tường và bàn ghế mà không biết, thậm chí không nhận ra được ba mẹ; bé hoạt động lúc nhanh, lúc đờ đẫn.

Biến trứng nguy hiểm của miếng dán say tàu xe

Nói tới miếng dán chống say tàu xe, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cho hay, đơn vị cũng thường xuyên tiếp nhận những ca trẻ gặp biến chứng khi sử dụng miếng dán chống say xe. Đặc biệt trong dịp hè, khi trẻ được bố mẹ cho đi chơi xa thì số lượng trẻ nhập viện nhiều hơn.

Theo BS Khanh, miếng dán chống say tàu xe thường có chỉ định không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Trường hợp trẻ gặp biến chứng vì nguyên nhân này, 1 phần do người bán thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn kỹ.

Tác dụng phụ thường gặp ở trẻ là chóng mặt, mất phương hướng, hoảng loạn, gặp ác mộng, tim đập nhanh, nói sảng. Thậm chí nhiều trường hợp bị hôn mê, ngưng thở. Việc điều trị giúp trẻ khỏi bệnh nhưng các biến chứng gây ra sẽ ảnh hưởng tới thần kinh của trẻ sau này.

Miếng dán say tàu xe cũng có thể khiến trẻ dễ bị loạn tri giác. Ảnh minh họa

Miếng dán say tàu xe cũng có thể khiến trẻ dễ bị loạn tri giác. Ảnh minh họa

Đặc biệt, nhiều người có tâm lý dán thật nhiều thì tác dụng mới nhanh và lâu nên thường sử dụng một lúc 2 - 3 miếng dán hoặc sử dụng cùng lúc với thuốc uống. Việc làm này rất phản khoa học, thường gây ra những phản ứng ngược, nảy sinh các tác dụng phụ bởi khi tung ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán được liều lượng thuốc tốt nhất có trong miếng dán, phù hợp với thể trạng của người sử dụng.

Khi dùng nhiều miếng dán cùng lúc, thuốc sẽ ngấm hết qua da, thẩm thấu vào máu với liều lượng rất cao. Khi đó, người sử dụng đang ở trong tình trạng dùng thuốc quá liều, các tác dụng phụ rất khó tránh khỏi và sẽ nặng hơn, thậm chí nguy kịch vì ngộ độc thuốc.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý, tuyệt đối không dùng kết hợp cả miếng dán và thuốc uống, thuốc tiêm chống say xe. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ khiến thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối bởi nhiều loại thuốc, tình trạng quá liều luôn thường trực, tai biến, ngộ độc do thuốc luôn cận kề, chưa kể những tương tác thuốc sẽ khiến cơ thể phải chịu những hậu quả khó lường.

BS Khanh nói rằng muốn cho trẻ tránh say, cha mẹ không nên cho trẻ ăn quá no trước khi lên xe, nhưng cũng không nên để trẻ đói. Khi lên xe không nhắc chuyện say xe, ngồi chỗ tránh gió lùa, cho bé sinh hoạt như bình thường để quên đi chuyện nôn ói, hay cũng có thể dùng gừng xoa hai bên mang tai trẻ. Trường hợp bất đắc dĩ mới cho trẻ dùng thuốc hoặc miếng dán chống say tàu xe. Tuy nhiên cần đọc kỹ các hướng dẫn, và chỉ nên cho trẻ trên 12 tuổi dùng.

Nên dán miếng dán vào vùng da khô sau tai từ 4 - 6 giờ trước khi lên xe bởi đó là thời gian cần thiết để các dược chất trong miếng dán thẩm thấu qua da và phát huy tác dụng (nếu sáng hôm sau khởi hành thì nên dán vào ngay buổi tối trước khi đi để thuốc có đủ thời gian thẩm thấu). Không được dán ở nơi da bị kích thích hay trầy xước vì sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất này và có thể gây ngộ độc.

Cần tuân theo sự hướng dẫn về cách dùng như thời điểm dán, dán trong bao lâu, nơi dán, khoảng cách giữa hai lần dán... để hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải. Không dùng miếng dán chống say xe cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em từ 8 - 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang