Đừng “vu oan” cho lễ hội !

author 08:08 04/02/2014

(VietQ.vn) – Nếu mỗi người dân Việt đều không đi lễ hội tràn lan, thì đâu gây ra lãng phí?

Đến hẹn lại lên, sau Tết là mùa lễ hội khắp nơi trên đất nước vẫn còn không ít tư tưởng phong kiến hằn sâu trong tiềm thức của người dân.

Cả nước có gần 8000 lễ hội lớn nhỏ (lễ hội dân gian và lễ hội lịch sử). Với những người trẻ, đó là dịp họ được về quê, được gặp họ hàng làng xóm và chiêm ngưỡng các trò chơi, nghi lễ truyền thống (như rước kiệu, đua thuyền…). Còn với người già, lễ hội là dịp gìn giữ những phong tục truyền thống, cúng viếng các vị thần thánh và tiên tổ, giáo dục lịch sử cho con cháu…

Yên Tử (Quảng Ninh): Nơi nhiều người tìm đến dịp đầu xuân

Yên Tử (Quảng Ninh): Nơi nhiều người tìm đến dịp đầu xuân

Nhưng cũng “đến hẹn lại lên”, cứ mỗi mùa lễ hội gần đây là báo chí lại reo réo về việc “lạm phát” lễ hội dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc, mê tín dị đoan và nhiều hành động thiếu chuẩn mực trong lễ hội…

Có người còn đề xuất giảm bớt số lễ hội để tiết kiệm và tránh các tiêu cực xảy ra.

Nhưng chỉ cần bĩnh tĩnh suy xét, chúng ta sẽ thấy, lễ hội không có tội, nên con người đừng “vu oan” cho những hoạt động mang tính cộng đồng đặc sắc ấy.

Có Bộ trưởng Văn hóa nào bắt các bà, các cô phải đi lễ hội không? Có ai bắt người dân phải sắm thật nhiều ngựa giấy, vàng mã…để đốt trong mùa lễ hội? Có Chủ tịch tỉnh nào yêu cầu dân phải đi ô tô từ Nam chí Bắc để xin ấn đền Trần, hòng cầu danh vọng trong tư tưởng ?...

Tại sao ngày xưa không có những lãng phí khủng khiếp như bây giờ trong mùa lễ hội? Tại sao thời ấy không có “sư đều chùa giả” để “câu” tiền cầu khấn của dân? Tại sao hồi đó vàng mã không chất thành núi, đốt nghi ngút như ngày nay ?...

Tất cả những tiêu cực là do người đi hội tạo nên, chứ không phải do lễ hội đó.

Nên trước khi lên án các lễ hội, sao người ta không tự nhìn lại mình, để tự nhủ hãy tập trung làm việc và cống hiến, thay vì trông chờ vào các thế lực siêu nhiên; hãy thông cảm cho người dân các vùng quê quanh năm thiếu thốn các hoạt động văn hóa, mà lễ hội là một trong ít dịp họ được quây quần bên làng xóm…

Ở một góc độ khác, những cây bút trẻ khoe cách sống phương Tât khi chế nhạo những ông cụ, bà cụ hay đi lễ hội, liệu có hiểu đó còn là dịp để họ “trốn” không khí ngột ngạt trốn thị thành, để được đi tới nơi thiên nhiên thư thái?...

Như thế, mỗi mùa lễ hội cũng là dịp để tự chúng ta đấu tranh với tư tưởng mê tín dị đoan nhưng cũng là dịp để mở lòng mình, thấu hiểu trước biết bao suy tư, xúc cảm…của nhân tình, thế thái.

Hoàng Lan

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang