Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động

authorHòa Lê 16:48 09/08/2019

(VietQ.vn) - Một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động chính là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chủ trì Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thời qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động), tăng 6% so với năm 2017.

Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động năm 2018 của nước ta đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 45% của Indonesia...

Vậy cần làm gì để nâng cao năng suất lao động?

Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cải thiện năng suất lao động quốc gia cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị 

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cải thiện năng suất lao động quốc gia, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. “Thực thi các giải pháp cải thiện năng suất cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu để tăng trưởng trong 10 năm tới. Trong đó, các chính sách vĩ mô của các Bộ ngành phải lấy doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng của chính sách. Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp có vai trò quyết định năng suất của nền kinh tế. Đồng thời, có cơ quan chuyên sâu về tăng năng suất quốc gia”.

Cùng quan điểm, Tổng cục trưởng - Tổng cục thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng khẳng định, trong các nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện năng suất lao động, cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong nâng cao năng suất lao động quốc gia thời gian tới.

Trên thực tế, thống kê về năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp ngoài nhà nước có năng suất thấp nhất. “NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất. Mặt khác, khoảng cách về năng suất lao động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp ngoài nhà nước đang ngày càng nới rộng. Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước, nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định. Đồng thời cho biết, nguyên nhân do quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ và trình độ công nghệ còn lạc hậu.

Do đó, yêu cầu đặt ra, cần các chính sách kinh tế hỗ trợ nânng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp, có giải pháp khuyến khích doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu.

“Thực hiện các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng…đối với cac doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bồi dưỡng nhân lực”, ông Nguyễn Bích Lâm đề xuất.

Đặc biệt, tạo liên kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia nhấn mạnh, nhằm tăng cường chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá và tỷ trọng cung ứng sản phẩm, linh kiện nội địa cho các doanh nghiệp FDI.

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động là quy luật phát triển tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao cũng nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động

  Việc ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động là quy luật phát triển tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0

Là đơn vị sử dụng nhiều khá nhiều lao động, công việc khai thác nặng nhọc, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, TKV đã nghiên cứu và có nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, giảm sức lao động công nhân, tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản xuất than. Theo đó, TKV chú trọng nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch để từ đó làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Ông Nguyễn Quang Việt - Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, những năm qua, EVN đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Theo đó, Tập đoàn đã không ngừng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ hiện đại, xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến; cải tiến, nâng cao trình độ công nghệ góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm...

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang