Giải pháp phát triển doanh nghiệp thời kì chuyển đổi số

author 06:44 22/05/2020

(VietQ.vn) - Cuộc tấn công của Covid-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp thời kì này.

Theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Cuộc tấn công của Covid-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của toàn thế giới. Ảnh minh họa. 

Đánh giá về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Ái Việt cho rằng, chiến lược kinh tế số rất quan trọng, tạo cơ hội cho các quốc gia phát triển trước nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nói cách khác, đây là phương thức kinh tế mới.

Kinh tế số được hiểu là số hóa các dữ liệu, gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị. Trong khi Việt Nam hiện chưa có hành lang pháp lý cho việc lưu, mã hóa dữ liệu, cũng như nguồn lực, doanh nghiệp chưa thể hiện ưu thế rõ ràng so với doanh nghiệp nước ngoài. Đơn cử như giá máy tính ở Việt Nam và Mỹ đang có sự chệnh lệch lớn. Thậm chí, doanh ngiệp vẫn yếu về năng lực công nghệ, tư duy kinh doanh số.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang triển khai rất nhiều chiến lược như chiến lược chuyển đổi số, nhưng chủ yếu đưa ra các chương trình lớn, toàn diện, thay vì những chương trình điểm nên việc phát triển chiến lược chuyển đổi số khó lại càng khó, vẫn mang tính vĩ mô. Đồng thời, chúng ta chưa cạnh tranh được với các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đã có thị trường, phát triển tại Việt Nam trên nền tảng có sẵn.

Ông Việt cho rằng, Việt Nam cần tạo cơ chế giúp đỡ các công ty, doanh nghiệp trong nước để phát triển hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, tuy nhiên cần lưu ý phải có sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật để xây dựng kinh tế số bền vững. Đồng thời, các bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu với nhau trong điều hành quản lý nhà nước, chia sẻ với chính quyền các cấp, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp nền tảng đổi mới sáng tạo, tiếp cận tài chính, khuyến khích cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Ngoài ra, quản lý Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ.

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Đức Thành – nguyên Viện trưởng VERP, trong việc phát triển kinh tế số, bảo mật thông tin không phải là rào cản mà ngược lại đó chính là cốt lõi trong việc thúc đẩy phát triển. Việc Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy sự sáng tạo hay nói cách khác, bảo mật thông tin là đảm bảo thông tin được bảo vệ, quyền lợi của người dùng được bảo đảm trên nền tảng số.

Do đó, để phát triển kinh tế số, ông Thành cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xây dựng hệ thống khung pháp luật, tạo ra quyền thực thi nền tảng kinh tế số. Ngoài ra, trong công cuộc phát triển kinh tế theo nền tảng số, cơ sở dữ liệu số là cốt lõi quan trọng mà ở đó, Nhà nước phải là chủ thể trong việc tạo cơ sở để chia sẻ dữ liệu thông tin.

Hiệp định EVFTA: ‘Cú hích’ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19(VietQ.vn) - EVFTA góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới liên kết với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới; tạo thuận lợi cho hàng hóa và dịch vụ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang