Giáo sư Trần Đình Long: Cần đánh giá thực phẩm biến đổi gen thận trọng

author 15:22 23/05/2018

(VietQ.vn) - Đánh giá về cây trồng và thực phẩm biến đổi gen - GMO, Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam khẳng định đó là một thành tựu nhưng cũng có rủi ro, vì thế cần phải đánh giá một cách thận trọng.

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam  

Thưa GS Trần Đình Long, thực phẩm biến đổi gen đã có những bước phát triển nhanh trên thế giới và cũng từng được ví là giải pháp vàng cho ngành nông nghiệp, vậy theo ý kiến của ông nguyên nhân nào khiến cho thực phẩm biến đổi gen có được sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy?

Công nghệ chuyển gen để tạo ra cơ thể biến đổi gen trong đó có động vật, thực vật, vi sinh vật là thành tựu đáng được khích lệ về mặt chọn tạo giống. Từ năm 1996, để phát triển thương mại cây trồng biến đổi gen được phát triển nhưng cũng chỉ hạn chế ở trong mấy đối tượng như ngô, đậu tương, cải dầu, bông…

Có thể khẳng định đó là một thành tựu, nó giống như là cuộc cách mạng xanh giúp năng suất vượt lên. Đối với cây trồng biến đổi gen thì nó có một số ưu điểm như kháng sâu bệnh ở một số loại và kháng thuốc trừ cỏ… vì thế nó được phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, cây trồng biến đổi gen chỉ hạn chế ở một số nước nhất định chứ không phải là tất cả.

Cũng phải thừa nhận cây trồng biến đổi gen kháng được sâu bệnh sẽ giảm được thiệt hại về mặt kinh tế, tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, cần phải tính toán vì khi sử dụng cây trồng biến đổi gen hoặc là cơ thể biến đổi gen thì buộc phải có đánh giá tính rủi ro đối với môi trường, đối với đa dạng sinh học, đối với sức khỏe con người. Biến đổi gen có sự tiến bộ nhưng cũng có rủi ro, vì thế cần phải đánh giá một cách thận trọng.

Theo ông tình hình phát triển của các loại thưc phẩm biến đổi gen GMO trong những năm qua đã có những diễn biến như thế nào?

Hiện nay có hai khái niệm, một là cơ thể biến đổi gen (động vật, thực vật, sinh vật), hai là thực phẩm biến đổi gen (những thực phẩm dẫn xuất từ cây trồng và vật nuôi biến đổi gen).

Tại Việt Nam thực phẩm biến đổi gen dưới dạng thức ăn chăn nuôi, ngô, đậu tương và một số thực phẩm khác đã xuất hiện từ lâu rồi nhưng giống cây trồng biến đổi gen thì chỉ mới bắt đầu và vẫn còn ở phạm vi hẹp. Nhà nước cũng chỉ cho một giới hạn nhất định chứ chưa phải là phát triển mạnh. Nếu như so với tổng diện tích cây trồng ở Việt Nam thì cây trồng biến đổi gen hiện vẫn đang ở mức rất thấp, ít không đáng kể.

Một trong những giải pháp trong tâm trong chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 cũng đặt ra con số đó là tăng diện tích cây trồng biến đổi gen lên mức là 30 – 50% diện tích đất nông nghiệp. Vậy con số đặt ra như vậy để đáp ứng được vấn đề an ninh lương thực hay không?

Kế hoạch về vấn đề an ninh lương thực ở Việt Nam cũng đã được đưa ra cách đây nhiều năm và đã đạt được mục tiêu chứ không phải chờ cây trồng biến đổi gen mới giải quyết được vấn đề an ninh lương thực. Tuy nhiên, phải hiểu theo nghĩa đây là một kế hoạch quy hoạch, lúc đó cả các nhà khoa học, nhà chính sách, địa phương, nhà quản lý đều hy vọng đến năm 2020 sẽ có 30- 50% diện tích nông nghiệp trồng cây biến đổi gen. Nhưng nếu các nhà khoa học làm giống thì điều đó không khả thi.

Thời điểm làm chính sách cứ nghĩ giống cây biến đổi gen giống như "cây đũa thần" giải quyết được các vấn đề nhưng thực tế cây trồng hay thực phẩm biến đổi gen chỉ có những ưu điểmở một góc độ nhất định. Và khi chọn tạo giống mới, người ta có thể sử dụng di truyền phân tử, quy tụ gen, công nghệ tế bào… và có thể đột biến, có thể lai tạo để chọn tạo ra giống mới và công nghệ chuyển gen chỉ là một trong những công nghệ thôi chứ không phải là tất cả cho nên kế hoạch thực hiện như vậy sẽ không thể thực hiện được vì nó không có cơ sở khoa học.

Có ý kiến cho rằng chuyển gen vào cây trồng để tạo ra giống cây mới là sự can thiệp quá mạnh vào tạo hóa, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nhận định này là chính xác. Cái gì là thuộc về tự nhiên nó sẽ bảo vệ cân bằng sinh thái. Nếu con người can thiệp vào nó sẽ có mặt lợi cho con người về mặt kinh tế, nhưng cái gì cũng có mặt trái, khi can thiệp quá mạnh như giống cây trồng biến đổi gen là tạo ra hoàn toàn một cơ thể mới, điều đó sẽ dẫn tới mất cân bằng sinh thái.

Trên thế giới khi phát triển cây trồng biến đổi gen đều có đánh giá rủi ro về môi trường, về đa dạng sinh học, đánh giá về tác động tới sức khỏe con người hay không. Việc đánh giá cây trồng biến đổi gen không phải là thời gian ngắn mà là cả quá trình. Hiện trên thế giới có nhiều luồng ý kiến về việc sử dụng thực phẩm biến đổ gen, có ủng hộ, có phản đối và có tiếp cận sử dụng một cách thông minh. Nghĩa là không cấm sử dụng nhưng mà minh bạch và Việt Nam chúng ta đang thực hiện theo hướng này.

Ông có thể tư vấn để người tiêu dùng có thể phân biệt thực phẩm biến đổi gen với một sản phẩm bình thường có gì khác nhau?

Về mặt khoa học, mắt thường không thể phân biệt được, muốn đánh giá phải có phòng thí nghiệm chuyên biệt. Giải pháp tốt nhất cho người tiêu dùng là tiêu dùng một cách thông minh, nghĩa là sản phẩm nào dán nhãn rõ thì chúng ta biết rồi, còn những sản phẩm không dán nhãn mà ở Việt Nam không sản xuất như các loại trái cây hoặc thực phẩm tươi sống nhập khẩu… thì nên tránh, không ăn nếu mình không thích. Còn nếu không sợ biến đổi gen thì vẫn sử dụng.

Quan điểm của tôi nếu không công khai minh bạch thông tin thì nên tránh.

Thực phẩm biến đổi gen phải rõ trên nhãn là 'biến đổi gen' (VietQ.vn) - Kể từ ngày 8/1/2016, thực phẩm biến đổi gen phải rõ trên nhãn là 'biến đổi gen'

Bảo Anh (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang