Giấp phép cấp xả thải 50.000 m3, Lee & Man lại chỉ xây 20.000 m3

author 16:21 26/06/2016

(VietQ.vn) - Hạng mục xả thải qua đánh giá tác động môi trường được cấp phép với công suất tối đa 50.000 m3, Lee & Man chỉ xây dựng hạng mục với công suất 20.000 m3.

d

Công ty TNHH Lee & Man đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước ngày 11/12/2015, tám năm sau đánh giá tác động môi trường (ĐTM), với lưu lượng xả thải tối đa 50.000 m3 ngày và đêm.

Trong khi đó công ty này đang xây dựng hạng mục xử lý nước thải công suất nhỏ hơn một nửa giấy phép cho phép, chỉ 20.000 m3/ngày và đêm.

Lý do Lee & Man đưa ra, được các báo tường thuật từ cuộc họp báo mà công ty này vừa tổ chức, là công ty đã thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại hơn so với kế hoạch xây dựng ban đầu, nên xả thải nước ít hơn so với ĐTM được duyệt.

Việc ĐTM của Lee & Man được thực hiện năm 2007 với bốn mẫu nước xả thải lấy từ bên Trung Quốc - ở hai nhà máy Thâm Quyến và Quảng Châu.

Ông Võ Văn Thắng, người tham gia công tác giải phóng mặt bằng khi còn là phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nơi Lee & Man đặt nhà máy, cho biết chỉ lấy mẫu nước xả thải đem về sở TN-MT Hậu Giang kiểm nghiệm.

Mà sở này muốn hay không muốn cũng trực thuộc ý chí của tỉnh Hậu Giang.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước xả thải đạt, tỉnh Hậu Giang sau đó báo cáo với Bộ TN-MT và Chính phủ. Chính phủ đã đồng ý cho chủ đầu tư làm báo cáo ĐTM.

Kết quả là với một nhà máy vào dạng lớn nhất thế giới, lại thuộc một trong những ngành "sát thủ" đối với môi trường, nhưng lại được hưởng một quy trình cấp phép hết sức đơn giản về xả thải ra môi trường.

Ông Thắng nói: “Hội đồng thẩm định trung ương gồm Bộ TN-MT, các bộ ngành khác thẩm định báo cáo ĐTM của dự án nhà máy giấy Lee & Man, còn báo cáo ĐTM được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt năm 2008”.

Nghĩa là ở đây, ta chỉ thấy UBND đơn phương phê duyệt. Điều này cũng được bộ TN-MT  xác định. Ông Mai Thanh Dung, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, bộ TN-MT khẳng định:

“Bộ TN-MT thẩm định ĐTM của dự án này vào năm 2008. Khi đó, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tỉnh Hậu Giang, chính phủ giao bộ TN-MT hỗ trợ thẩm định. Bộ TN-MT chỉ hỗ trợ thẩm định.”

Mặc dù giải thích như thế, nhưng bảy năm sau được tỉnh phê duyệt ĐTM vào năm 2008, Bộ này cũng đã ký cho phép hạng mục trạm xử lý xả thải 50.000 m3.

Thế nhưng, chủ đầu tư là Lee & Man lại tự ý xây dựng nhà máy xử lý nước xả thải công suất không bằng một nửa hạng mục cho phép.

Lý do mà họ nêu ra là do công nghệ đã thay đổi, hiện đại hơn. Sự hiện đại hơn này chỉ có mình chủ đầu tư biết, còn dư luận thì có lý do để nghi ngờ vì Lee & Man sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

Tỉnh Hậu Giang, cho đến lúc này, khi người dân bày tỏ hoảng hốt về một sát thủ môi trường nguồn nước thuộc dạng lớn nhất thế giới chuẩn bị đi vào hoạt động, có lẽ sẽ không muốn biết.

Qua quy trình được phát hiện sớm về ĐTM của Lee & Man ở Hậu Giang, người dân có lẽ cũng hình dung về một quy trình cấp phép tương tự cho Formosa ở Vũng Áng. Mà Thép lại là đứng đầu trong nhóm các sát thủ về môi trường.

Và việc xả thải của nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng ra biển cho đến nay vẫn còn chưa rõ, chưa được công khai.

Người dân đang đếm ngược từng ngày chờ xem những thứ rác xả thải ra biển của nhà máy thép Formosa này có liên quan đến nguyên nhân cá chết hàng loạt được hứa là sẽ công bố không quá năm ngày nữa.

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang