Gỡ thẻ vàng IUU - tăng cường giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

author 18:01 06/12/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù đã ngăn chặn được về cơ bản nhưng thực tế hiện nay, vẫn còn tình trạng tàu cá khai thác IUU và việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản này còn hạn chế. Đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại “Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn thanh tra EC và tổng kết đánh giá kết quả triển khai các khuyền nghị của EC về khai thác IUU” do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa tổ chức.

Xuất khẩu thủy sản sang EU sụt giảm mạnh

Theo Tổng cục Thủy sản, sau 3 năm EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường EU bị tác động giảm rõ rệt, giảm liên tục qua các năm 2018 (giảm 6%); 2019 (giảm 15%) và 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13%. Dự báo cả năm 2020 giá trị xuất khẩu hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019 và doanh số giảm 28% so với năm 2017.

 Cảng cá Cửa Hội, Nghệ An. Ảnh minh họa internet

EU từ vị trí thứ hai trong top thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống thị trường thứ 5 kể từ năm 2018, sau khi Việt Nam bị cảnh báo với thẻ vàng IUU, đứng sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.

Trước đó, ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU- khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). 

Vẫn còn tình trạng khai thác IUU

Theo Tổng cục Thủy sản, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn phức tạp, trong đó có tình trạng tàu cá không có số đăng ký, không treo cờ bị nước ngoài bắt giữ, xử lý nhưng thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu là người Việt Nam. Trong năm 2019 xảy ra 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó các lực lượng chức năng đã xác định có 93 vụ/144 tàu cá bị bắt giữ, xử lý. Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 11/2020, đã xảy ra 76 vụ/124 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Đáng chú ý, việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế, mới xử được 1 trường hợp), việc áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa thống nhất giữa các địa phương. Đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí bị nâng lên cảnh báo “Thẻ đỏ” trong đợt thanh tra lần tiếp theo (định kỳ 6/lần) nếu tình hình chưa có sự cải thiện.

Tăng cường giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU

Để có thể gỡ được thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật kí khai thác của các tàu cá cập cảng để lên cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản xuất sang thị trường Châu Âu.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban ngành và lực lượng chức năng liên quan trong công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý nghiêm túc tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm trong công tác chống khai thác IUU gây ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “Thẻ vàng” của EC.

Hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đánh dấu tàu cá theo quy định; đối với các tàu cá chưa lắp đặt VMS kiên quyết không cho xuất bến, quản lý chặt chẽ khối tàu này và xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm. Đối với tàu cá lắp đặt thiết bị VMS nhưng mất kết nối với trạm bờ, khai thác sai vùng, cần phải tăng cường công tác kiểm soát, thực thi xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tổ chức rà soát lại số liệu tàu cá đã đăng ký, cấp phép; đặc biệt khối tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên tại địa phương đảm bảo khớp số liệu giữa các báo cáo và trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).

Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trước hết tập trung xử lý các hành vi không thông báo khi tàu cá cập cảng; tàu cá không lắp thiết bị VMS, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình tàu cá trong hoạt động trên biển…

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang