Hàng nghìn container phế liệu 'đắp chiếu' tại cảng, giải quyết thế nào?

author 06:23 01/08/2018

(VietQ.vn) - Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đối với việc hàng nghìn container phế liệu nhập khẩu còn tồn động ở các cảng, cơ quan hải quan sẽ tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, hiện tại, ở một số cảng có tình trạng nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến việc có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.

Cụ thể, số container tồn tại cảng Cát Lái – TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 25/7/2018 là 3.579 container, trong đó quá 30 - 90 ngày là 594 container; quá 90 ngày là 2.423 container, số container còn lại là chưa quá 30 ngày. Số liệu container tồn tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 05/7/2018 là 1.485 container (trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6/2018). Tại Hải Phòng có 632 container quá thời hạn từ 30 - 90 ngày, có 853 container quá 90 ngày.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định, khi kiểm tra cơ quan hải quan phải mở tất cả các container, tại mỗi container cơ quan hải quan phải lấy mẫu ở 4 hoặc 5 điểm theo hình chóp hoặc hình chữ Z. Điều này cũng gây khó khăn cho cả Hải quan và doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, hiện vẫn còn một số lượng lớn phế liệu nhập khẩu còn tồn đọng ở các cảng. Ảnh: Bảo Lâm 

Với doanh nghiệp khi cơ quan mở tung container ra lấy mẫu thì doanh nghiệp không thể xếp hết hàng vào trong container được. Còn về phía Hải quan, với số lượng container hàng lớn như hiện tại sẽ không có đủ diện tích để có thể mở tất cả các container kiểm tra. Hơn nữa, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, dù có lấy mẫu kiểm tra tại tất cả container nhưng Hải quan cũng không thể xác định ngay được đâu là hàng có đủ chất lượng.

Thêm vào đó, theo ông Thành rất khó để phát hiện ngay được doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận trong nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất. Cơ quan hải quan không đối chiếu được theo thông tư 41 do chỉ có giấy bản sao chứng thực và bản phô tô giấy mua bán lô hàng để kiểm tra thông quan.

“Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa danh sách các doanh nghiệp được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giấy thông báo lô hàng nhập khẩu lên cổng 1 cửa để cơ quan hải quan có đủ tư liệu đối chiếu”, ông Thành nói.

Liên quan tới việc xử lý phế liệu tồn đọng ở cảng, tránh tình trạng biến Việt Nam trở thành bãi rác, ông Âu Anh Tuấn – Cục trưởng Cục giám sát quản lý cho biết: Đối với hàng hóa phế liệu đã tồn đọng tại cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 6 điều 58 của Luật Hải quan. Cụ thể, đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Bảo Lâm

Tổng cục Hải quan lý giải lượng phế liệu nhập khẩu tăng bất thường(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan đã có những lý giải về tình trạng lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua tăng đột biến.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang