Hé lộ nguyên nhân 100% mẫu mì tôm chứa axit

author 10:46 02/01/2014

(VietQ.vn) - Theo GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Hội Y tế công cộng, 100% mẫu mì tôm và măng tươi có chứa axit oxalic. Cùng với đó rất nhiều mẫu thực phẩm khác như bánh, bún miến, nấm mèo, cà rốt... cũng chứa chất này. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, không phải do doanh nghiệp cho axit vào thực phẩm nhằm mục đích tẩy trắng hay làm mềm...

Đối với người có tiền sử bị sỏi thận hoặc gen di truyền sỏi thận cũng như trẻ em tốt nhất đừng nên ăn mì tôm và các loại rau củ quả chứa axit oxalic. Đối với người có tiền sử bị sỏi thận hoặc gen di truyền sỏi thận cũng như trẻ em tốt nhất đừng nên ăn mì tôm và các loại rau củ quả chứa axit oxalic. 

Từ bột mì... 

Trước thông tin, 100% mì tôm, măng tươi, bánh phở, hủ tíu... đều chứa axit oxalic đã khiến người dân lo lắng, hoang mang. Bởi từ trước đến nay, nhiều người dân đều biết ăn nhiều mì tôm không tốt cho sức khỏe do có chứa nhiều transfat nguy hại cho tim mạch, gây mỡ máu,... Nay có thêm axit oxalic gây nguy cơ sỏi thận.

Để làm rõ vấn đề này, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã trao đổi cùng phóng viên. Theo đó, từ tháng 6 tới tháng 12/2013, Công ty Cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ Sắc ký Hải Đăng đã khảo sát và thử nghiệm trên 873 mẫu thực  phẩm trên địa bàn TPHCM. Tổng cộng 363/ 873 mẫu nhiễm axit oxalic. Các mẫu bún, bánh phở, hủ tíu cũng không “thoát” loại axit này. Đáng chú ý, 100% mẫu mỳ tôm chứa axit oxalic; 100% các mẫu măng tươi, măng muối đều dương tính với axit oxalic. 

“Tất cả các loại mì tôm từ nhập khẩu hay sản xuất trong nước, chiên hay không chiên, sử dụng phương pháp gì cũng đều có chứa axit oxalic. Nhưng, không phải chất này được cho vào sản phẩm nhằm mục đích tẩy trắng hay làm mềm mà do tất cả mì tôm đều được làm từ bột mì. Trong khi đó, bột mì tự nhiên đã có axit oxalic tương đối cao nên đương nhiên mì tôm được sản xuất ra cũng có hàm lượng axit oxalic cao. Tương tự, các thực phẩm như măng, bánh... cũng có chứa chất này. Đây là chất có trong các sản phẩm tự nhiên”, GS.TS Sơn nhấn mạnh. 

Trẻ em, người bị sỏi thận cần hạn chế

Ở góc độ hóa học, KS Nguyễn Dũng, trưởng phòng thí nghiệm hóa hữu cơ, Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, axit oxalic là một loại axit hữu cơ mạnh và độc. Người ta đã so sánh độ mạnh của nó ngang lớn hơn axit axetic khoảng 10.000 lần. Chúng thường được sử dụng trong các chất tẩy rửa hóa học công nghiệp với tác dụng như tẩy gỉ sét, làm sạch gỗ, chất nhuộm quần áo,.... Thậm chí axit này còn được dùng trong thuốc trừ sâu. Đối với thực phẩm, axit oxalic được dùng như chất tẩy trắng, làm sạch và mềm. Tuy nhiên, việc tồn dư chất này gây nên những tác hại nhất định đối với cơ thể. Ngoài ra, một số thực phẩm như bột mì, măng, rau dền, khế... cũng có oxit oxalic. Khi vào cơ thể, axit oxalic kết hợp với canxi trong bể thận và cơ thể tạo thành oxalat canxi. Đây là một trong những thành phần chính của sỏi thận. 

 GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng, kết quả kiểm nghiệm cho thấy rằng, trong tự nhiên có axit oxalic nên cần khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng hợp lý. Còn về khả năng gây sỏi thận thì cần xem xét. Vì từ trước đến nay nước ta chưa xác định rõ trường hợp nào ăn thực phẩm bị sỏi thận. Đồng thời, cũng không có nước nào quy định hàm lượng axit oxalic trong thực phẩm. Tuy nhiên, không vì thế mà “buông xuôi” quản lý. Thay vào đó, các cơ quan chức năng cần có quy định cũng như khuyến cáo đến người tiêu dùng. 

Ở góc độ người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo, cần chế biến, làm sạch thực phẩm trước khi ăn. Oxit oxalic về cơ bản không mất đi nhưng có thể giảm khi nấu chín và chế biến đúng cách. Ngoài ra, cách này cũng hạn chế một số chất độc khác. Ví dụ măng tươi cần luộc kỹ, đổ nước đó đi rồi mới ăn. Điều này giúp hạn chế axit oxalic và loại bỏ các chất độc khác...

Thu Hiền 


 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang