Hiểu đúng về trường hợp phạt đội mũ không phải mũ bảo hiểm

author 17:01 02/07/2014

(VietQ.vn) -Trao đổi với Chất lượng Việt Nam sáng nay 2/7, đại diện Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (C67) cho biết, chỉ có 2 trường hợp cảnh sát giao thông xử phạt với mũ bảo hiểm là: không đội mũ và không cài quai.

Sự kiện:

Nếu người dân đội mũ bảo hiểm "rởm" thì cảnh sát giao thông chỉ dừng xe, nhắc nhở bà con, để bà con biết mua các loại mũ đạt chuẩn, đảm bảo an toàn.

Cảnh sát giao thông không phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Cảnh sát giao thông không phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Tuy nhiên, nếu người dân đội mũ mà không phải mũ bảo hiểm như mũ nan, mũ lá...thì cũng bị phạt. Theo đại diện Cục C67, hiện chưa có trường hợp bị phạt do đội mũ bảo hiểm "rởm".

Tại phiên họp báo Chính phủ tối 1/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, Chính phủ có bàn về quy định bắt đầu áp dụng từ 1/7 này và thống nhất, chỉ xử phạt người tham gia giao thông về 2 hành vi không tuân thủ quy định về đội mũ bảo hiểm là hành vi không đội mũ và hành vi không cài quai mũ khi đội (theo Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).


Trước đó, Bộ khoa học và Công nghệ cũng đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2: 2008/BKHCN), ban hành theo quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN và thông tư 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT ngày 28/2/2013 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.

Theo đó, mũ bảo hiểm cho người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy đôi khi tham gia giao thông phải đủ các tính năng sau:

Thứ nhất, về cấu tạo mũ phải đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo;

Thứ hai, mũ đó đã được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Trong đó, nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ và cơ sở sản xuất, cỡ mũ, năm tháng sản xuất;

Nhãn của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, tên địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân nhập khẩu và phân phối, xuất xứ hàng hóa, cỡ mũ, năm tháng sản xuất.

Cũng theo quy chuẩn này, đối với mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được, độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm dài nhất của lưỡi trai không quá 70mm.

Trường hợp mũ có lưỡi trai cứng gắn liền vỏ mũ, độ dài của lưỡi trai không lớn hơn 50mm. Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

Như thế nào là đội mũ bảo hiểm an toàn và đúng qui cách?

Để đội mũ bảo hiểm an toàn và đúng cách, người đội mũ bảo hiểm nên làm theo 2 bước sau:

1. Hãy mở dây quai mũ sang hai bên, đội mũ lên đầu và kiểm tra xem mũ có vừa đầu không. Nếu mũ quá rộng so với đầu khi đi xe máy mũ sẽ bị sụp xuống mặt hoặc lật ra phía sau hoặc bị nghiêng sang một bên.

2. Hãy luôn cài quai mũ, vì nếu đội mũ mà không cài quai, mũ sẽ không có tác dụng bảo vệ. Không nên cài quá chật hoặc quá lỏng. Sau khi cài, hãy thử nhét 2 ngón tay xuống dưới cằm, nếu nhét được 1 hoặc 2 ngón tay là vừa. Nếu chúng ta cài quai mũ quá lỏng mũ cũng có thể bị lật khỏi đầu ra phía sau gáy và quai mũ sẽ hướng vào cổ chúng ta, điều này sẽ rất nguy hiểm khi xảy ra va chạm. Vì khi ngã, cổ của chúng ta sẽ bị dây quai mũ thắt lại. Nếu cài quai mũ quá chật, sẽ tạo cảm giác vướng víu, khó chịu khi bạn điều khiển xe trên đường.

 


Minh Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang