Hoan hô Bộ trưởng Phạm Vũ Luận !

author 07:00 13/06/2013

(VietQ.vn) – Vụ “Đồi Ngô” đầu tiên trong mùa thi 2013 bắt đầu được phát giác. Ít ai biết, công đầu tiên là của Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận.

Quyền năng camera

Một năm trước đây, vụ Đồi Ngô ở Bắc Giang nổ ra như một “đòn kinh hãi” cho những trường bất chấp tất cả để có thành tích “trăm phần trăm khá và giỏi”.

Một vụ gian lận thi cử mới được phanh phui ở Hà Nội.
Một vụ gian lận thi cử mới được phanh phui ở Hà Nội. Ảnh từ clip "Đồi Ngô".

Khi được hỏi có nên cho mang máy quay vào phòng thi, lãnh đạo các trường đều lắc đầu “nói không với camera tố cáo tiêu cực”. Hồi đó, các phóng viên Giáo dục đều đồng loạt đăng các ý kiến phản đối như vậy.

Chỉ một người một mực kiên quyết giữ nguyên quy định này. Ông là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Rồi đến hôm nay, sau kỳ thi tốt nghiệp 2013, Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội đã phải xác nhận, có đoạn clip ghi lại những hành vi vi phạm quy chế thi của cả giám thị và thí sinh tại Hội đồng thi THPT Quang Trung, quận Hà Đông.

Vụ việc tuy không nghiêm trọng như Đồi Ngô (Bắc Giang) trước đây nhưng cũng cho thấy cả giám thị, thí sinh đều có hành vi vi phạm quy chế. Cụ thể, thí sinh quay cóp bài thi của nhau mà giám thị không hề xử lý; giám thị bỏ ra hành lang đứng nói chuyện với giám thị biên để mặc học sinh “mất trật tự”…

Rồi đây, vụ việc sẽ được nhân dân cả nước biết về những kẻ sính thành tích đẹp. Và hy vọng, những clip nếu có ở các địa phương khác, sẽ được công khai với công chúng.

Tư duy thoáng !

Nhớ năm xưa, các GS ngành Toán có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục để thuyết trình về Đề án lập Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán, nhân “chiến thắng” của GS Ngô Bảo Châu với giải Field danh giá.

Trong khi các GS của ngành học được coi là tinh hoa thi nhau “kể khổ” về thực trạng Toán học Việt Nam hiện nay thì vị GS kinh tế Phạm Vũ Luận lại chỉ đạo: phải viết đề án như một công trình đầu tư có hiệu quả, khả thi, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Có lẽ, với cách tiếp cận như vậy nên khi trình lên, Chính phủ đã nhanh chóng phê duyệt một trong những viện nghiên cứu nổi tiếng nhất Việt Nam, ngay từ lúc chưa xây dựng.

Bộ trưởng tự trọng !

Dù đã có những quyết định chưa từng có trong lịch sử như cho mang camera vào phòng thi, yêu cầu các hệ “đường vòng” phải thi chung đề ĐH với hệ chính quy…nhưng ở lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tuần này, ông Phạm Vũ Luận là một trong số những người bị nhiều phiếu “tín nhiệm thấp”.

Có lẽ, nếu khôn ngoan đến “vô cảm”, ông có thể biện hộ rằng, ngành của mình “nhạy cảm”, tiếp xúc với phụ huynh và học sinh nhiều, chịu nhiều kỳ vọng…nên đại biểu Quốc hội đòi hỏi cao hơn, dẫn tới phiếu bầu có thấp là…bình thường.

Ngày công bố phiếu tín nhiệm, Tư lệnh ngành Giáo dục với đôi mắt đăm chiêu nhìn phía trước. Có ai hiểu nỗi lòng của một người phải hứng lấy hậu quả của các cán bộ đi trước, phải từng bước thay đổi nếp nghĩ "sính" bằng cấp đã ăn sâu vào dân tộc này, phải nâng cao chất lượng giáo dục trong những nhà trường mà không phải thầy cô nào cũng giỏi, cũng bắt nhịp nhanh với thời đại, dưới những cuốn sách kinh viện và nặng nề…?

Vĩ thanh

Năm trước, có một  nhà giáo từng phàn nàn trên báo rằng, ngành Giáo dục “không biết lắng nghe”.

Thế rồi, người ta thấy, nhiều dự thảo quyết định của Bộ Giáo dục sau đó đều có sự tham khảo ý kiến của báo giới, dưới hình thức các cuộc họp lấy ý kiến của phóng viên nhiều tờ báo lớn.

Hôm trước kỳ thi tốt nghiệp, một phóng viên Giáo dục đã gọi điện cho Chất lượng Việt Nam khen ngợi về việc đã “đi ngược đám đông”, viết bài hướng dẫn các thí sinh mua camera đúng quy định và đánh bại luận điệu của các trường xuyên tạc sự phức tạp của các thiết bị điện tử.

Sự thật là việc kiểm tra các thiết bị rất đơn giản: chỉ cần yêu cầu camera hay máy ghi âm mang vào không có “đầu ra” như màn hình, tai nghe…là đảm bảo không bị lạm dụng.

Nhưng sự thật đó phải cần một thời gian nhất định, đông đảo người dân mới hiểu được.

Cũng vậy, trong kết quả bầu phiếu có phần ảm đạm với Bộ trưởng Giáo dục hôm nay, cũng sẽ cần một khoảng thời gian nữa, người ta sẽ nhận ra những vất vả, lo toan và khát vọng bứt phá của GS Phạm Vũ Luận.

Nhật Minh 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang