Hoạt động TCĐLCL hướng đến sự đổi mới, sáng tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp

author 12:30 16/02/2018

(VietQ.vn) - Sáng tạo trong điều hành, đổi mới trong quản lý và luôn đặt doanh nghiệp vào trọng tâm. Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh khẳng định, năm 2018, hoạt động TCĐLCL tiếp tục hướng đến sự đổi mới, sáng tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp

Trải qua 55 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm đổi mới của đất nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cùng với toàn ngành đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Nhân dịp đầu xuân năm mới 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh đã có những chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành trong năm vừa qua.

 Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh 

Thưa Tổng cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển cũng như những đóng góp của ngành TCĐLCL vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong 30 năm đổi mới của đất nước?

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Hoạt động TCĐLCL mà Tổng cục TCĐLCL (Tổng cục) là hạt nhân đã luôn song hành cùng với sự phát triển của đất nước và đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Thứ nhất, việc xây dựng quy chuẩn Việt Nam (QCVN) là một trong các nhiệm vụ chính của Tổng cục TCĐLCL. Các QCVN có vai trò ngày càng quan trọng và trở thành trọng tâm của hoạt động thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người. Việc ban hành các QCVN cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Công tác tiêu chuẩn hóa được triển khai rộng khắp, hỗ trợ đầy đủ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện có trên 9.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), trong đó 47% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và hơn 650 QCVN, do 13 bộ xây dựng, ban hành và đang trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế- xã hội của đất nước.

Thứ hai, cùng với sự hoạt động hiệu quả của Luật Đo lường, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã đã cơ bản đáp ứng về nhu cầu đảm bảo về đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Để phục vụ sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo, đã có 33 phép đo của Việt Nam được Tổ chức Đo lường quốc tế công nhận (CMCs/CIPM) trong 6 lĩnh vực đo lường: Độ dài, khối lượng, dung tích lưu lượng, áp suất, thời gian tần số, nhiệt độ. Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chấT lượng. Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ ba, trong hoạt động quản lý chất lượng, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản dưới luật đã ra đời, ngày càng thể hiện rõ vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, kiểm tra hàng hóa trong quá trình sản xuất, lưu thông. Sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ cả trước và sau khi đưa ra thị trường. Các hoạt động quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và đánh giá sự phù hợp đã được đẩy mạnh và đáp ứng đúng với chuẩn mực và tập quán quốc tế, giúp xoá bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.

Năm 2017, với sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục TCĐLCL đã có những giải pháp như thế nào trong việc việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Thời gian vừa qua, Tổng cục đã chủ động triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, có hiệu quả nhiều giải pháp khác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cụ thể là đã bãi bỏ 114 loại sản phẩm, hàng hóa quản lý đồng thời ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. làm rõ cơ chế hậu kiểm, tạo khung pháp lý để hướng dẫn các Bộ, ngành áp dụng cơ chế hậu kiểm.

Đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ KH&CN quản lý: Chuyển đổi từ 100% sản phẩm, hàng hóa áp dụng cơ chế tiền kiểm sang áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% sản phẩm, hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật sẽ được áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro.

Tiếp nữa là đã đẩy mạnh hoạt động thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp. Tham gia ký kết thừa nhận đa phương trong ASEAN; thừa nhận song phương với nhiều quốc gia, đồng thời thúc đẩy các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện cơ chế thừa nhận kết quả kỹ thuật, chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp từ nước xuất khẩu, đẩy mạnh việc đánh giá tại nguồn.

Đặc biệt, việc xã hội hóa hoàn toàn hoạt động đánh giá sự phù hợp phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã được Tổng cục triển khai. Đến nay, Bộ KH&CN đã chỉ định 69 tổ chức đánh giá sự phù hợp để phục vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Bộ KH&CN cũng đã chung tay cùng 12 Bộ rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa XNK để bảo đảm loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 phải thực hiện tiền kiểm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 75/NQ-CP.

Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường. Vậy vai trò dẫn dắt cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp được Tổng cục thể hiện như thế nào?

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Hiện nay Tổng cục TCĐLCL được giao chủ trì Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình một mặt tạo ra một phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ của doanh nghiệp nhằm tiết kiêm nguyên nhiên liệu sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, đã và đang tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Tổng cục đã tổ chức xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trong và ngoài nước.

Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gắn với việc thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, Tổng cục TCĐLCL đã đi tiên phong trong hoạt động hỗ trợ các SME qua các hoạt động như: Đào tạo chuyên gia TOT phát triển SMEs, các khóa huấn luyện đào tạo cho các doanh nhân, Khởi sự và hoàn thiện SMEs và nhiều hoạt động khác. Kinh nghiệm hỗ trợ SMEs của các nước trên thế giới và châu Á đã được đúc kết để trình tổ công tác của Chính phủ soạn thảo Nghị định và hiện nay là Luật về SMEs. Qua những hoạt động này Tổng cục đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cơ quan liên quan về vai trò của SMEs trong nên kinh tế thời kỳ đổi mới.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, xin ông chia sẻ những định hướng hoạt động của Tổng cục trong năm tới và giai đoạn tiếp theo như thế nào?

Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh: Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH. Theo đó, việc đầu tiên và quan trọng của Tổng cục là thực thi triển khai Nghị quyết 01/ 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần Nghị quyết 19/2017 và Nghị quyết 01/2018, Tổng cục tiếp tục tham mưu cho Bộ KHCN hoàn thành việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, đẩy mạnh việc rà soát, thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo hướng QCVN cần quy định cụ thể biện pháp quản lý, xem xét tính hợp lý hay không hợp lý của các biện pháp quản lý này để bảo đảm không gây cản trở không cần thiết đối với thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp tục triển khai giai đoạn II Chương trình quốc gia năng suất chất lượng theo hướng phối hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án, đề án KHCN có cùng mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng của Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, Tổng cục triển khai mạnh việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, phát triển mã số mã vạch để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Đặc biệt, năm 2018, sẽ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có một điều kiện đo lường tốt nhất sẵn sàng phục vụ cho sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!

Thanh Uyên ( thực hiện)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang