Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du Nhật Bản dự hội nghị cấp cao G7 mở rộng

author 05:16 27/05/2016

(VietQ.vn) - Hôm nay (27/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ Hội nghị cấp cao G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản.

Hôm 26/5, Hội nghị cấp cao (HNCC) Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại khách sạn Si-ma Can-cô trên đảo Ca-si-cô-gi-ma thuộc tỉnh Mi-ê, miền trung Nhật Bản. Dự Hội nghị cấp cao lần này, gồm lãnh đạo của bảy thành viên của G7: Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê, Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ, Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Đức A.Méc-ken, Thủ tướng Anh Đ.Ca-mơ-rôn, Thủ tướng I-ta-li-a M.Ren-di, Thủ tướng Ca-na-đa G.Tơ-ru-đô cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu C.Giăng-cơ. Đây là Hội nghị cấp cao G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng tám năm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh ST

Theo chuỗi hoạt động nói trên, hôm nay (27/5), các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia gồm In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Băng-la-đét, Pa-pua Niu Ghi-nê, Lào, Xri Lan-ca, Sát, cùng các lãnh đạo các thể chế toàn cầu gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... sẽ tham dự HNCC G7 mở rộng.

Chiều 26/5, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tới sân bay Chu-bu, TP Na-gô-y-a, tỉnh Ai-chi, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự HNCC Nhóm G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản, chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”. Cùng dự, có lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, lãnh đạo tỉnh Ai-chi và đông đảo doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước.

Phát biểu ý kiến tại diễn đàn quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam; là đối tác đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39 tỷ USD và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau và phần lớn các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đều thành công.

Về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011, là một trong sáu nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao nhất năm 2015. Với dân số 92 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 2.100 USD, quy mô và sức mua của thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định. Đồng thời, Việt Nam là quốc gia có độ ổn định cao về chính trị. Việt Nam đã ký 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tất cả bảy thành viên G7 và 15 trong số 20 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thời gian tới đứng ở nhóm đầu của các nước ASEAN; đồng thời cho biết, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Thủ tướng gợi mở và khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc sáu nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa Việt Nam - Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm đối với các dự án khởi nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đề cập việc triển khai TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai nước hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện sản xuất tại Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Thủ tướng cho biết, người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa “Sản xuất tại Nhật Bản” và sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển mới. Việt Nam chào đón các nhà đầu tư, kinh doanh Nhật Bản đến Việt Nam và tin tưởng rằng giới đầu tư, kinh doanh Nhật Bản sẽ thành công tại Việt Nam.

Hồng Anh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang