Tăng giá điện: EVN toàn đứng về phía nhà sản xuất?!

author 16:40 16/03/2015

(VietQ.vn) - “Trong các cuộc họp báo hoặc khi EVN báo cáo lên Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương xem xét… thì chủ yếu đứng về phía doanh nghiệp sản xuất chứ ít khi đứng về phía NTD”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó “Giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch”.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”.

Ngành điện cần cuộc “đại phẫu thuật” 

Mới đây, gần như cùng thời điểm, giá điện tăng 7,5% và giá xăng tăng 1.600 đồng/lít đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Để góp phần làm rõ thêm vấn đề này, chiều 16/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện”.

Theo đúng lộ trình, hôm nay (16/3), điện chính thức tăng 7,5 %, giá bình quân là 1.622 đồng/kWh. Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm này không có sự góp mặt của đại diện EVN để giải đáp thêm những thắc mắc của người dân về vấn đề này.

Thống kê giá điện từ từ năm 2007 đến nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết mặt hàng này đã 8 lần tăng giá kể cả đợt tăng lần này. Tuy nhiên, lần thứ 8, biên độ lớn so với các lần trước làm người tiêu dùng bức xúc.

“NTD không phải không chia sẻ với khó khăn ngành điện, mà chính là sự minh bạch của EVN. Mọi hoạt động, chi phí phát sinh của EVN từ trước nay không hiệu quả lại đổ lên đầu NTD rất vô lý”, ông Long thẳng thắn.

Theo đó, để NTD đồng thuận với giá điện, ông Long cho rằng, mỗi lần tăng giá, EVN cần minh bạch hơn trong tính toán chi phí, giá thành điện.

Không đồng tình với chuyên gia Long về nhận định “chưa minh bạch”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản  lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Tăng giá điện 7,5% là phương án thấp nhất và đã được tính tới các tác động tới tăng trưởng, CPI. Đây là phương án tăng với mức độ phù hợp với mặt bằng thay đổi thông số đầu vào, vì thông số đầu vào theo tính toán của EVN đã tăng 12,8%. Theo đó, vị Cục trưởng này khẳng định, EVN và Bộ Công thương đã công khai các chi phí cơ bản để người dân giám sát.

“Tôi nghĩ ngành điện lực đã cố gắng và đã công khai chi tiết cấu thành nên giá điện”, Cục trưởng Cục Quản lý giá giải thích.

Lật lại phát biểu trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tính toán chi phí và giá thành điện hết sức phức tạp vì ngành điện hoạch toán từ trên xuống dưới. Muốn tính chính xác cần có một cuộc “đại phẫu thuật”, có cơ quan chuyên môn, kiểm toán độc lập tư vấn làm việc. Ngành điện làm ăn không hiệu quả như: đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém, tổn thất lớn... đều đưa vào giá thành. Lỗ do quản trị kém để NTD gánh là rất vô lý. 

“Trong các cuộc họp báo hay khi EVN báo cáo Bộ Công thương xem xét… thì chủ yếu đứng về phía doanh nghiệp sản xuất chứ ít khi đứng về phía NTD. Ngay cả phát ngôn của cơ quan chức năng nên công tâm chứ không thể phát ngôn kiểu nếu không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản, rồi tăng giá điện thì NTD được hưởng lợi…”, chuyên gia này bức xúc.

Điện độc quyền, so sánh có khập khiễng?

Trong một số phát biểu của mình, đại diện EVN có đưa ra giá điện so sánh với một số nước trong khu vực. Theo đó, để minh chứng đang điều hành giá theo cơ chế thị trường, cơ quan này cho rằng việc tăng giá là hợp lý và thậm chí còn thấp hơn một số nước khác. 

Giá điện bắt đầu tăng thêm 7,5% từ ngày hôm nay (16/3). Ảnh minh họa

Đồng tình với quan điểm điều hành giá theo cơ chế thị trường, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới thì giá trong nước phải hòa đồng với giá thế giới. Việc so sánh giá là cần thiết nhưng không phải mọi sản phẩm đều so sánh được. 

“Với xăng dầu, Việt Nam nhập 70% nên so sánh là đúng, nhưng điện vẫn độc quyền, giá do Nhà nước quyết định nên không thể như so sánh như EVN được. EVN hay dựa vào giá đầu ra chứ không tính ra đầu vào. Nếu so sánh như vậy thì rõ ràng Việt Nam thấp hơn các nước. Việc so sánh giá đầu ra chứ không phải giá đầu vào rất bất hợp lý”, ông Long phân tích.

Theo đó, chuyên gia này cho rằng, nếu quản lý chặt ngành điện như năng suất lao động, giá thành điện thấp không những NTD được lợi mà sẽ tạo điều kiện thu hút vốn nước ngoài. 

Giải thích thêm về lý do tăng giá điện “hộ” EVN, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính – Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh lại: “EVN đã công khai minh bạch các yếu tố cấu thành lên giá. Giá thành điện vẫn còn khoản lỗ còn treo lại. EVN lập phương án giá và các bộ ngành đánh giá các phương án. Với mức điều chỉnh tăng 7,5% là cũng có dành một phần để đơn vị này giải quyết các khoản lỗ treo lại”.

Trà Phương

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang