Hướng tới kiểm soát tận gốc chất lượng đồ chơi trẻ em

author 07:09 04/12/2013

(VietQ.vn) - Qua chương trình thanh tra chuyên đề về đồ chơi trẻ em (ĐCTE), các “tụ điểm” lớn nhỏ đã được thanh kiểm tra, rà soát và xử lý. Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam, ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, để kiểm soát tận gốc chất lượng ĐCTE, cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên thị trường.

Ông Trần Minh Dũng cho biết, qua cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về ĐCTE, tổng số cơ sở kinh doanh được thanh tra là 1.708 cơ sở, trong đó số cơ sở sản xuất là 41 cơ sở, số cơ sở nhập khẩu là 18 và số cơ sở buôn bán 1.649 cơ sở. Trong số 1.649 cơ sở buôn bán có 94 siêu thị và nhà phân phối ĐCTE, 1.555 cơ sở là buôn bán nhỏ lẻ. Tính trung bình mỗi địa phương thanh tra được xấp xỉ 28 cơ sở.

Tổng số cơ sở kinh doanh ĐCTE bị xử phạt vi phạm hành chính là 672 cơ sở (chiếm tỷ lệ 39,3% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt là 434.790.000 đồng.

Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN

"Để kiểm soát tận gốc chất lượng đồ chơi trẻ em, cần tăng cường các giải pháp quản lý, thanh kiểm tra trên thị trường". Ảnh: N. N

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở vi phạm: tịch thu tiêu hủy 19.596 đồ chơi (là các loại đồ chơi bạo lực như kiếm, đao, dao, súng bắn đạn nhựa...) tương đương với số tiền xấp xỉ 600 triệu đồng; đình chỉ lưu thông đồ chơi là tang vật vi phạm hành chính, buộc khắc phục nhãn hàng hóa đúng theo quy định trước khi cho lưu thông trở lại đối với gần 50.000 đồ chơi giá trị xấp xỉ 1.500.000.000 đồng.

Trong những sản phẩm đồ chơi thu giữ được, sai phạm chủ yếu ở những vấn đề gì thưa ông? Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, công bố hợp quy.

Cụ thể, vi phạm về nhãn hàng hóa, trong tổng số 672 cơ sở vi phạm với 808 lượt hành vi vi phạm (HVVP), trong đó, chiếm đại đa số là vi phạm về nhãn hàng hóa: 550 hành vi (chiếm 68,1% tổng số HVVP).

Các vi phạm về nhãn hàng hóa phổ biến là đồ chơi không có hoặc có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ nhưng nhãn phụ có kích thước quá nhỏ khó đọc được thông tin trên nhãn bằng mắt thường; có nhãn hàng hóa nhưng nội dung trên nhãn không đủ, không đúng theo quy định. 

Về vi phạm quy định về công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy lên sản phẩm ĐCTE, trong tổng số 808 lượt HVVP, vi phạm quy định về gắn dấu hợp quy là 178 lượt hành vi (chiếm 22,0% tổng số HVVP); vi phạm về công bố hợp quy có 1 cơ sở (chiếm 0,12% tổng số HVVP) và vi phạm về chứng nhận hợp quy có 2 cơ sở (chiếm 0,24% tổng số HVVP).

Nhìn vào những con số này thấy rằng những vi phạm về công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy chiếm tỷ lệ không cao trong tổng số hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong đợt thanh tra này, số cơ sở sản xuất và nhập khẩu ĐCTE được thanh tra không nhiều (41 cơ sở sản xuất và 18 cơ sở nhập khẩu), nên tỷ lệ vi phạm về công bố hợp quy (đối với cơ sở sản xuất ĐCTE) và chứng nhận hợp quy (đối với cơ sở nhập khẩu) trong tổng số cơ sở sản xuất và nhập khẩu thì không phải là thấp: 1/41 cơ sở (2,4%) và 2/18 cơ sở (11,1%).

Rõ ràng đây là con số khiến các nhà quản lý ĐCTE cần lưu tâm nhiều hơn nữa trong việc kiểm soát việc thực hiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật đối với các nhà sản xuất và nhập khẩu ĐCTE.

Đồ chơi trẻ em

Nhiều cơ sở sai phạm chất lượng đồ chơi trẻ em đã bị xử lý. Ảnh: N. N

Đối với vi phạm về chất lượng, qua việc lấy mẫu thử nghiệm các chỉ tiêu an toàn đối với ĐCTE quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về An toàn ĐCTE QCVN 3:2009/BKHCN (sau đây gọi là Quy chuẩn 3:2009), toàn đợt có tổng số 234 mẫu được cơ quan chức năng đem thử nghiệm, phát hiện 23 mẫu không đạt yêu cầu (không phù hợp Quy chuẩn 3:2009), chiếm 9,8% tổng số mẫu thử nghiệm.

Việc lấy mẫu thử nghiệm chất lượng ĐCTE trong đợt thanh tra chuyên đề năm nay, các Đoàn thanh tra cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt hàng ĐCTE là loại sản phẩm đa dạng về chủng loại. Nhiều khi, chỉ là một cửa hàng nhỏ bán sách vở học sinh hay cửa hàng bán tạp hóa, kết hợp bán ĐCTE thì cũng có tới năm - bảy chục loại đồ chơi khác nhau, có khi tới hàng trăm. Chủng loại đồ chơi thì vô cùng phong phú nhưng số lượng mỗi loại lại không nhiều, nhìn chung chỉ vài ba cá thể (cái) mỗi loại đồ chơi. Điều này khiến các đoàn thanh tra gặp khó khăn khi quyết định lấy mẫu thử nghiệm (rất nhiều trường hợp số lượng mỗi loại đồ chơi không đủ để lấy mẫu theo quy định).

Ngoài ra, có các vi phạm khác như buôn bán hàng hóa (ĐCTE) nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, các loại đồ chơi gây nguy hiểm, mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục. Có 32 địa phương (chiếm 52,5% số tỉnh, thành) phát hiện và xử lý hành vi buôn bán các loại đồ chơi bạo lực và gây nguy hiểm như là các loại súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước, đao, dao, kiếm, các loại côn, que, gậy (chiến đấu), siêu nhân kiếm, siêu nhân côn, Nin-ja với bao tay và mặt nạ đi kèm... 19.596 đồ chơi loại này bị các Đoàn thanh tra tịch thu tiêu hủy triệt để. Hơn một nửa số địa phương trên cả nước phát hiện và xử lý loại hành vi buôn bán đồ chơi bạo lực là tiếng chuông cảnh báo tình trạng phổ biến về kinh doanh buôn bán loại ĐCTE có nguy cơ ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển nhân cách trẻ em, thế hệ tương lai của xã hội đòi hỏi cần có biện pháp tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý ĐCTE trong thời gian tới…

Thưa ông, tỷ lệ vi phạm của hàng nội địa và hàng ngoại nhập ra sao, cơ sở bị xử lý liên quan đến các sản phẩm đồ chơi thuộc doanh nghiệp sản xuất hay cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ?

Trong tổng số 1.708 cơ sở kinh doanh ĐCTE được thanh tra trong cuộc thanh tra chuyên đề thì có tới 1.646 cơ sở là buôn bán nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ 96,4%.

Đặc điểm khá phổ biến của việc kinh doanh buôn bán ĐCTE tại các địa phương là hầu hết ĐCTE không được buôn bán như là mặt hàng chính (trừ một số đại lý, nhà phân phối đầu mối) mà chỉ được bán kèm với các mặt hàng khác, như là sách, vở, truyện thiếu nhi, quán bán hàng tạp hóa, quần áo, thậm chí cả đồ điện (nồi cơm điện, quạt điện, bàn là, máy sấy tóc... cũng bầy bán thêm ĐCTE). Vì lý do này mà chủ cửa hàng thường không để ý và thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật trong kinh doanh loại mặt hàng này. Việc nhận thức về pháp luật của các cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế: 40% số cơ sở không biết gì về quy chuẩn; các cơ sở khác “có nghe, có biết” nhưng không rõ ràng và đầy đủ.

Chánh thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng cảnh báo: Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ đã có sự quan tâm đến sức khỏe và sự hình thành nhân cách của con cháu mình cần quan tâm đầy đủ hơn để có thể hiểu biết, lựa chọn những đố chơi đảm bảo chất lượng và phù hợp với sự giáo dục lứa tuổi cho con cháu mình.

Theo báo cáo từ các địa phương, 90% ĐCTE lưu thông trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hàng Trung Quốc vào thị trường nội địa chủ yếu theo con đường nhập tiểu ngạch và cơ quan chức năng không quản lý được, không kiểm tra đánh giá được chất lượng. Hầu hết đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc không có nhãn hàng hóa, hoặc có nhãn (bằng tiếng Trung Quốc) nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt. Hoặc, có nhãn phụ bằng tiếng Việt thì nội dung rất “mơ hồ”, chung chung, như “đồ chơi trẻ em”, “đồ chơi trẻ em dùng pin”, “đồ chơi trẻ em không dùng pin” cho các loại đồ chơi.

Sản phẩm đồ chơi dù đã được thanh tra, xử lý nhưng mới chỉ ở những "tụ điểm" lớn, còn trên thị trường có rất nhiều điểm lẻ, bán tràn lan đồ chơi chưa hợp chuẩn hợp quy, điều này xử lý ra sao thưa ông?

Theo số liệu nêu trên cho thấy, không phải chỉ thanh tra các “tụ điểm” lớn, vi chỉ có 94 siêu thị và nhà phân phối lớn mà có tới 1.649 cơ sở là bán lẻ đã được thanh tra. Cái khó ở đây là các cơ sở không hình thành cửa hàng bán chuyên về ĐCTE mà chỉ bày bán phụ thêm với các mặt hàng chính khác, đặc biệt là phần lớn loại hàng đó không được kiểm soát về chất lượng theo quy định. Một mặt tập trung xử lý nghiêm đầu mối để ngăn chặn tận nơi nguồn gốc của hàng hóa đó; mặt khác cần phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương để tăng cường kiểm soát, xử lý những hành vi khác cùng với việc giáo dục thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để xã hội nhận thức được và phân biệt lựa, chọn hàng có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng cho con em mình.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Nam (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang