Huyền Chip khoe visa chứng minh sự thật với “anh hùng bàn phím”

author 07:40 20/09/2013

(VietQ.vn) - Sau chuyến du lịch bụi 25 nước với số tiền khởi điểm 700 USD, Huyền Chip bỗng trở thành nhân vật “hot” được giới trẻ rất quan tâm.

Cuốn đầu tiên của “Xách ba lô lên và đi: Châu Á là nhà, đừng khóc” của Huyền được nhiều người đón nhận nhưng nó cũng làm dậy sóng lên nghi ngờ: “Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong cuốn sách?”.

“Nổi sóng” đi tìm sự thật…

Sau khi “Xách ba lô lên và đi: Châu Á là nhà, đừng khóc!" được xuất bản, cộng đồng mạng đã bắt đầu xuất hiện những topic, chủ đề thảo luận liên quan đến chuyến hành trình đặc biệt của nữ tác giả 23 tuổi này. Những nghi vấn liên quan đến các tình tiết khó chấp nhận như: xin visa quá dễ dàng mà không cần chứng minh tài chính, bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn giao tiếp tốt với người bản địa, xin việc lương cao trong thời gian ngắn… vẫn âm ỉ được thảo luận. Thế nhưng mọi chuyện chỉ thực sự “nóng” lên khi Huyền Chíp công bố ra mắt tiếp phần 2 của cuốn sách với tiêu đề “Đừng chết ở Châu Phi”. Cư dân mạng đã có rất nhiều bài viết, thu thập các bằng chứng cứ, từ đó dùng lý lẽ để phân tích và phản biện lại rằng những điều được Chíp kể, Chip viết liệu có đúng là sự thật?

Huyền Chip đã có buổi họp báo ra mắt sách và trả lời những nghi vấn của độc giả

Trả lời trong buổi họp báo ra mắt sách, Huyền Chip đã đưa visa của mình với hàng loạt các con dấu của nhiều nước mình đi qua, nói sâu hơn về cách thức xin việc làm, chi phí cho chuyến đi… nhằm chứng minh cho các “anh hùng bàn phím” rằng cô không đánh lừa độc giả.

Khi một thành viên tới từ diễn đàn VOZ hỏi rằng với số tiền 700 USD thì không thể có một chuyến hành trình như vậy, Huyền Chip đã chia sẻ, đây chỉ là số tiền khởi điểm cho chuyến đi nhưng khi Huyền trả lời phỏng vấn báo chí, một số báo đã đưa con số này lên làm tít nên dễ khiến người đọc hiểu lầm rằng đây là tổng chi phí của toàn bộ chuyến đi. Thực tế, để có tiền cho suốt cuộc hành trình, Huyền đã phải làm rất nhiều công việc, cứ hết tiền tiêu là cô lại tìm việc để làm và nhờ khoản thu nhập đó nên mới có chi phí đi tiếp các nước khác. Huyền cũng chia sẻ, có những lúc cô rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi trong túi không còn đồng nào, thậm chí phải nhịn đói.

Đến những nước nghèo để dễ xin visa

Về vấn đề xin visa, đa số các ý kiến trên mạng đều tập trung vào khía cạnh việc xin visa nhập cảnh không hề dễ, đặc biệt có những nước yêu cầu rất cao việc người xin visa phải chứng minh được tài chính. Do vậy, với số tiền khởi điểm 700 USD thì việc xin visa để đi được 25 nước là điều “không tưởng”. Câu nói “ăn vạ để xin visa” của Huyền Chip khi trả lời Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong một buổi hội thảo cũng được lôi ra mổ xẻ vì nếu cứ “ăn vạ” mà xin được visa thì sẽ có rất nhiều người trẻ chấp nhận xếp hàng để… ăn vạ.

Cuốn visa của Huyền Chip được công bố nhằm chứng minh cô không lừa dối độc giả

Trả lời cho những câu hỏi liên quan đến visa, Huyền khẳng định rằng cô không đến những nước phát triển mà chỉ đến những nước nghèo hoặc đang phát triển nên việc xin visa không quá khó khăn, có những nước chỉ cần đến cửa khẩu, điền thông tin vào mẫu đơn là được cấp ngay visa. Tuy nhiên cũng có những nước thủ tục xin visa rất khó, không biết làm cách nào để xoay xở nên Huyền đành chấp nhận việc không xin được visa và chuyển hướng hành trình sang đất nước khác. Riêng về câu nói “ăn vạ để xin visa”, đây chỉ là câu nói đùa nhưng không ngờ nó lại là căn nguyên của những sự tranh cãi. Để củng cố niềm tin cho mọi người và chứng minh mình không nói dối độc giả, Huyền đã công bố cuốn visa đã được đóng dấu đến gần trang cuối của mình.

Riêng khía cạnh kiếm việc và làm việc ra sao, Huyền chia sẻ cô luôn chọn những công việc không yêu cầu trình độ bằng cấp nên không khó để kiếm được một công việc để kiếm đủ tiền chi tiêu lúc “nhẵn túi”. Thậm chí, cô cũng đã từng phải làm việc trong cả sòng bạc để đảm bảo có tiền và không “chết đói” dọc đường.

Rất nhiều câu hỏi khác đã được đưa ra trong cuộc họp báo, bên cạnh phần trả lời của Huyền Chip thì còn có sự giúp đỡ trả lời từ phía hai vị khách mời là GS Nguyễn Lân Dũng và PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh.

Huyền Chip còn được sự giúp đỡ trả lời của GS Nguyễn Lân Dũng và PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh

Mặc dù nhiều câu hỏi đã được giải đáp song những chủ đề thảo luận của cộng đồng mạng liên quan đến chuyến hành trình của cô gái này vẫn chưa dừng lại. Những tranh cãi vẫn đang nổ ra giữa nhóm những người nghi ngờ về tính chân thực của chuyến đi, của những điều trong cuốn sách và những người còn lại là ủng hộ Huyền, ủng hộ cuốn sách, coi đây là một cuốn sách hiện tượng đã cổ vũ và truyền cảm hứng, động lực cho nhiều người trẻ.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang