Khi truyền thông “yêu” ca sĩ hơn nhà khoa học

author 08:05 18/07/2012

(VietQ.vn) – Hiện tượng giới trẻ hâm mộ các ca sĩ khiến chúng ta cần suy ngẫm về đổi mới cách truyền thông khoa học.

Olympic Toán và The Voice

Dù có nhiều huy chương vàng nhưng tin tức về các đoàn thi Olympic của Việt Nam chắc chắn chưa bao giờ “hot” bằng những chương trình giải trí ca nhạc như “The Voice” hiện nay.

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Cũng vậy, nhiều người đã đặt câu hỏi và bức xúc khi thấy giới trẻ càng ngày càng hâm mộ ca sĩ, diễn viên hơn là các nhà khoa học trong các phòng thí nghiệm, những người lao động trong các hầm lò, cống rãnh…

Trả lời báo Tuổi Trẻ,  PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, phân tích: “Thời nào cũng có những tấm gương về lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, những tấm gương về sự hi sinh hoặc vượt lên số phận, chiến thắng hoàn cảnh khó khăn. Chỉ có điều trong dòng thác thông tin đang ào ạt xối vào giới trẻ, những tấm gương lặng lẽ lao động, âm thầm cống hiến, hy sinh lại ít được giới truyền thông đề cập.

Trong khi đó, nhất cử nhất động của giới showbiz đều được cập nhật hằng giờ. Một cô diễn viên mang bầu hay ca sĩ mới sắm ôtô, một cầu thủ mua đồng hồ xịn cho bạn gái đều được thông tin rôm rả trên nhiều trang mạng, hầu như mở ra là thấy ngay.

Dường như đã thành quy luật trong cuộc sống hiện nay: cứ ai xuất hiện nhiều trên truyền thông thì người ấy nổi tiếng hơn cả. Trong khi rất nhiều sự nổi tiếng không phải là giá trị đích thực. Việc lệch lạc trong chọn thần tượng của giới trẻ có một phần nguyên nhân từ truyền thông.

Chính truyền thông đã khiến nhiều bạn trẻ chạy theo những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ. Việc thần tượng một ai đó chính là sự phản chiếu mơ ước, cách nghĩ, cách sống của một người, một thế hệ. Chính vì vậy việc “mê muội thần tượng” khiến chúng ta phải lo ngại về một bộ phận giới trẻ.

Tôi nghĩ cũng có một số bạn trẻ thần tượng GS Ngô Bảo Châu, thần tượng một số nhà khoa học xuất sắc. Nhưng phần đông vẫn là thần tượng các nghệ sĩ và có những biểu hiện cực đoan, thái quá. Có lẽ một phần vì GS Ngô Bảo Châu xuất hiện khá nhiều trên truyền thông, còn nhiều nhà khoa học âm thầm khác không thể xuất hiện trên truyền hình nhiều bằng giới nghệ sĩ...”.

Vì thế, các nhà giáo dục đã “đánh động” giới trẻ bằng đề văn về thần tượng, làm xôn xao dư luận vừa qua. Nhưng họ cũng hiểu, một đề thi không thể là “chiếc đũa thần” để thay đổi nhận thức của những người trẻ, những người lúc nào cũng rừng rực khát vọng muốn khẳng định cái tôi cá tính.

Tuy thế, các “nhà đài” khó có thể đưa các nhà khoa học, những người lao động tốt… lên “giờ vàng”, khi mà những chương trình ca nhạc – tương tác như thế thu được hàng chục tỷ đồng quảng cáo. Ngay cả với những phóng viên văn hóa, không phải họ không hiểu những “trò lố” của giới showbiz, không phải họ không có thái độ bất bình với điều đó, nhưng áp lực pageview, áp lực của người “cầm trịch” khiến một số người trong họ không còn thời gian để viết những tuyến bài hay về văn hóa truyền thống, mà phải chạy theo các “sao” để thỏa trí tò mò của bạn đọc…

Đổi mới cách truyền thông khoa học

Sáng 12/7 vừa qua, trong khi buổi chiều cùng ngày cũng có công việc quan trọng, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân vẫn đi từ Hà Nội lên Hòa Bình để trò chuyện khoảng 2 giờ với các nhà báo chuyên viết về khoa học.

Các nhà khoa học đem lại nhiều giống lúa tốt cho bà con, góp phần nuôi dưỡng thế hệ trẻ. Nhưng nhiều bạn trẻ lại thần tượng ca sĩ hơn.
Các nhà khoa học đem lại nhiều giống lúa tốt cho nông dân, góp phần nuôi dưỡng thế hệ trẻ, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn thần tượng ca sĩ hơn

Người đứng đầu Bộ KH&CN hiểu rất rõ vai trò của truyền thông với sự phát triển của nước nhà. Ông mong muốn các cây bút có thể truyền tải, giúp mọi người hiểu được vai trò của khoa học với sự phát triển của đất nước, nhất là khi những yếu tố như giá nhân công, tài nguyên…không còn như trước.

Nhưng rõ ràng, cách truyền thông về khoa học của chúng ta vẫn chưa được như ý. Nhiều bài viết vẫn còn gượng ép, thiếu uyển chuyển trong diễn đạt, chưa sáng tạo trong việc chuyển tải nội dung…

Quan trọng nhất, nếu nhà báo không thực sự yêu các nhà khoa học, nếu nhà báo vẫn thấy những hào nhoáng bên ngoài quan trọng hơn những gì có trong trái tim và trí tuệ con người… thì khi ấy, những điều viết ra sẽ khó lay động người đọc và khiến họ nhanh quên.

Vì vậy, chúng ta cần đầu tư hơn nữa cho truyền thông khoa học, không chỉ về vật chất mà còn là lòng tâm huyết, sự sáng tạo, trách nhiệm kết nối các cơ quan… để đưa khoa học đến gần hơn với người dân.

Còn nhớ, loạt phim khoa học “Trái đất và bầu trời” của Pháp đã khiến nhiều bạn trẻ thế hệ trước phải ngồi hàng giờ bên ti vi để nghe những lời giải đáp, để được khám phá thiên hà mà mình yêu thích với bao câu hỏi chưa được trả lời… Nhiều người trong số đó đã ước ao và tự nhủ phải học thật giỏi để trở thành nhà thiên văn học…

Thế nên, chúng ta có quyền hy vọng truyền thông Việt Nam cũng sẽ làm được như vậy, sẽ “bình dân hóa” khoa học, để các bạn trẻ yêu khoa học và có nhiều người đi theo đam mê của mình. Các chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý sẽ có thêm nhiều thông tin để ra quyết định đầu tư vào khoa học, thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển…

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang