Khoa học và công nghệ thúc đẩy liên kết và phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

author 05:45 05/11/2016

(VietQ.vn) - Các tỉnh vùng miền núi phía Tây Bắc cần phải phát triển sản xuất nông nghiệp sạch cho Việt Nam và thế giới.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Mới đây, tại Hoà Bình đã diễn ra hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVI. Tới dự hội nghị giao ban có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo UBND một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và các lãnh đạo sở, các phòng đơn vị trực thuộc của 14 Sở KH&CN các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVI diễn ra tại Hoà Bình

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, phát triển khoa học công nghệ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ cốt lõi của hoạt động khoa học công nghệ, do vậy Bộ KH&CN luôn trân trọng và mong muốn đồng hành với các địa phương, cộng đồng các nhà khoa học, các tổ chức khoa học trên địa bàn để cùng nhau tập trung nguồn lực tốt nhất cho phát triển.

“Tôi đề nghị các quý vị đại biểu, đại diện Sở KH&CN các tỉnh trong hội nghị lần này phát biểu thẳng thắn, nhìn nhận, đánh giá đúng những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và cùng nhau đề xuất những giải pháp tốt nhất, khả thi nhất, trên cơ sở đó thống nhất hành động thực hiện đạt kết quả cao nhất hoạt động khoa học công nghệ trong thời gian tới” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị.

Theo đánh giá của các Sở KH&CN, số lượng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng và triển khai nhân rộng được tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây, trung bình đạt từ 50-70%, tổng số kết quả nghiên cứu ứng dụng tùy theo từng địa phương. Điều này chứng tỏ hoạt động nghiên cứu triển khai của các địa phương đã gắn kết hơn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thiết thực trong phát triển sản xuất và phục vụ đời sống.

Qua các báo cáo trong hội nghị, khoa học nông nghiệp là ngành đạt được nhiều kết quả nổi bật với 398 nhiệm vụ, chiếm 50,13% tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao; nghiên cứu tuyển chọn, phục tráng nhân giống các cây trồng chủ lực, cây đặc sản ở địa phương, nghiên cứu quy trình kỹ thuật mới, đặc biệt là các quy trình kỹ thuật sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn và phát triển bền vững.

Ngoài ra, khoa học kỹ thuật và công nghệ có 119 nhiệm vụ; Khoa học xã hội và nhân văn có 192 nhiệm vụ; Khoa học Y dược có 62 nhiệm vụ; Khoa học tự nhiên có 23 nhiệm vụ.

Nói về một trong những đề tài đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo của tỉnh Hoà Bình cho biết đã hoàn thành xong việc xây dựng và công bố Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong đã tăng giá trị quả cam lên 30-40%, giá trị gia tăng lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhiều hộ nông dân đã trở thành tỉ phú, cam Cao Phong đã nổi tiếng khắp cả nước, nâng diện tích trồng cam từ 1.200 ha (năm 2014) lên gần 3.000 ha (năm 2016), dự kiến hơn 5.000 ha vào năm 2020.

Ngoài ra, đề tài xây dựng Bộ chữ cho người dân tộc Mường tại Hòa Bình đã được UBND tỉnh Hoà Bình phê chuẩn. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử dân tộc Mường Hoà Bình, lần đầu tiên người Mường Hòa Bình với dân số hơn 520.000 người đã có Bộ chữ viết chính thức, là cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây chính là công cụ hữu hiệu nhất cho việc giữ gìn, phát huy tiếng Mường và  bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Kết thúc hội nghị, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết thời gian tới cần tập trung trao đổi về sản xuất, làm sao sản xuất được các sản phẩm trên địa bàn với chủ trương phát triển nông nghiệp.

Nêu ra định hướng cho các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói: “Chỉ đạo của Thủ tướng, phó Thủ tướng có yêu cầu chúng ta phải sản xuất nông nghiệp sạch cho Việt Nam và thế giới. Điều này tôi muốn truyền đạt lại thông điệp cho các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, nơi mà chúng ta phát triển nông nghiệp”.

"Tôi mong muốn chúng ta sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ giống, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thị trường để đảm bảo chất lượng, an toàn cho người dùng và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”. -  Thứ trưởng nhấn mạnh.

3.000 tỷ đồng đã chi cho nghiên cứu khoa học công nghệ(VietQ.vn) - Hàng loạt giống cây trồng, vật nuôi đã được nghiên cứu, ứng dụng từ chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang