Khoảng 20 triệu người dân Việt chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh

authorHòa Dương 07:27 24/12/2016

(VietQ.vn) - Theo số liệu thống kê của các chuyên gia y tế, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người dân nông thôn chưa được tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ngày 23/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững môi trường sống vì sức khỏe cộng đồng: Từ nhận thức đến hành động”. Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho biết, ô nhiễm môi trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, hoạt động của các làng nghề, hoạt động khai khoáng, do các bãi rác thải chôn lấp không hợp vệ sinh…

Các chuyên gia đã chỉ ra các loại ô nhiễm môi trường chính trong đó có ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí… Hậu quả của ô nhiễm môi trường là những tác động tổng hợp tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây ra các xung đột xã hội; gây nên các thiệt hại về kinh tế; tác động tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên…

Video về thực trạng vệ sinh môi trường được phát tại buổi hội thảo

Nhiều ý kiến cũng nhận định, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề mang tính chính trị, kinh tế, an sinh xã hội, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành và người dân là phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề ô nhiễm môi trường để có những hành động đúng trên tinh thần không đánh đổi môi trường lấy phát triển và sống phải có trách nhiệm với môi trường sống của mình.

Theo điều tra của Ngân hàng thế giới (WB), tình trạng vệ sinh môi trường kém khiến nước ta thiệt hại kinh tế tới 2 triệu USD mỗi ngày, tương 1,3 % GDP. Đây là những thiệt hại về tài chính do Việt Nam phải chi cho việc xử lý môi trường, thiệt hại kinh tế, xã hội hay các chi phí khám chữa bệnh do các tác động từ ô nhiễm môi trường ...

Phát biểu tại buổi hội thảo, TS. Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, hậu quả của vệ sinh môi trường kém khiến 1,5 triệu trẻ em Việt Nam bị thấp còi, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, nơi mà nhận thức của con người về vệ sinh môi trường chưa được tốt.  Một con số đáng báo động hơn nữa được đưa ra là tỷ lệ trẻ em nông thôn thấp còi hiện chiếm 25%, ở vùng núi, con số này là 28%.

 Khoảng 20 triệu người dân nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh

 Các chuyên gia phát biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: Hòa Dương 

Theo số liệu thống kê của các chuyên gia, Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người dân nông thôn chưa được tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó gần 10% trường học và trạm y tế chưa có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đặc biệt, thường xuyên có khoảng 6 triệu người phóng uế bừa bãi, là nguyên nhân của việc 1.500 tấn phân tươi thải trực tiếp ra môi trường cũng như nguồn nước.

Điều đáng nói, một nghiên cứu với những trẻ 5 tuổi sống ở các cộng đồng sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh so với những trẻ sống tại cộng đồng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp hơn 3,7cm, trí thông minh (IQ) giảm đi 5-11 điểm.

Vệ sinh môi trường kém dẫn đến những nguy cơ về dịch bệnh truyền nhiễm và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi và tử vong.

Theo các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia y tế, đầu tư cho bảo vệ môi trường sẽ cải thiện vệ sinh và xử lý nước thải để góp phần tạo nên môi trường sống bền vững. Từ đó, mỗi giờ sẽ cứu được một người, mỗi ngày cứu được hai trẻ dưới năm tuổi và nâng cao được tầm vóc, trí tuệ của thế hệ tương lai.

Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo: Sẽ quy hoạch lại cơ sở giáo dục Đại học?Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cần hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.

Cần tập trung hơn nữa cho xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa trong triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái…

Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục để nâng cao kiến thức, giúp cộng đồng nhận thức được đầy đủ những tác động tiêu cực, những giá đắt mà con người phải trả do những hành động của mình gây ra đối với môi trường; tập trung thu hút sự quan tâm sâu rộng hơn nữa của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái.

 Hòa Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang