"Kịch bản" giá nào cho 6 tháng cuối năm?

author 14:32 15/07/2013

(VietQ.vn) - Với diễn biến CPI 6 tháng đầu năm có mức tăng thấp, nhiều chuyên gia lo ngại xu hướng giá cả nửa cuối năm sẽ bị đẩy giá tăng cao.

Nông sản sẽ tăng mạnh

Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã được kiềm chế ở mức thấp, chỉ tăng 2,4% . Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm 2013 vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng do nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cuối năm, vì vậy nhập siêu có thể tăng trong những tháng cuối năm 2013.

Việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ góp phần tăng tín dụng. Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm qua đi nhưng có thể để lại hậu quả là làm giảm sút sản lượng thịt trong những tháng cuối năm, dẫn đến giá thịt sẽ tăng. Trong 6 tháng cuối năm, nước ta thường xảy ra hiện tượng lũ lụt, do vậy cần chủ động nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra hiện tượng cung cầu mất cân đối.

Bên cạnh đó, còn hai Tp. Hà Nội và Tp.HCM chưa tăng viện phí, nếu hai thành phố này tăng vào 6 tháng cuối năm 2013 sẽ đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng 0,7%. Tp. HCM dự tính sẽ tăng học phí vào tháng 9/2013 với mức tăng gấp 3-4 lần.

Dự đoán giá cả tiêu dùng tiếp tục tăng cao

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng diễn biến giá cả 6 tháng đầu năm có điểm đáng lưu ý là giá lương thực giảm 2,23% đóng góp vào mức giảm trong chỉ số chung 0,18% để không kích chỉ số chung tăng cao, có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại tạo ra bất lợi cho người sản xuất.

Nhìn từ mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%, ông Thỏa cho rằng 6 tháng cuối năm chỉ số CPI sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện nhưng mục tiêu cả năm có thể sẽ đạt được. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn những rủi ro tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Tình hình giá nông sản có thể sẽ tăng cao trong nhưng tháng cuối năm nếu không có biện pháp quản lý về mạng lưới lưu thông sản phẩm. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội còn nhận định, giá nông sản của nông dân bán ra thì không tăng nhưng những sản phẩm này đang bị mua bán lòng vòng qua nhiều trung gian. Do đó, khi tới tay người tiêu dùng, mức giá đã đội lên rất nhiều.

 Góp thêm những yếu tố rủi ro có thể khiến giá tiêu dùng tăng cao trong những tháng sắp tới, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, việc tăng lương cũng sẽ gây ra những tác động không nhỏ. Ngoài ra, những điều chỉnh về giá điện có thể vào cuối năm hay giá xăng, dầu, giáo dục sẽ làm CPI có khả năng tăng cao.

“Kìm cương” lạm phát

Xét theo “kịch bản” giá cả những năm trước, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó cục trưởng Cục quản lý, Bộ Tài chính cảnh báo về diễn biến giá cả đã từng tăng đột biến vào nửa cuối năm ngoái. Theo đó, vào tháng 9 năm ngoái, khi các địa phương đồng loạt điều chỉnh giá dịch vụ y tế, CPI đã tăng thêm tới 2,2%.

Bởi chu kỳ các năm, CPI thường tăng cao nhất vào tháng tết âm lịch sau đó giảm dần từ tháng 3 tới tháng 8 và bắt đầu tăng cao từ tháng 9 cho tới cuối năm và đầu năm sau. Như vậy, tại thời điểm này (tháng 6) nghĩa là đang trong giai đoạn CPI giảm theo chu kỳ nên biến động CPI thấp là hợp lý.

Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, CPI có khả năng sẽ tăng do các yếu tố: Chính phủ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế; tăng lương cơ bản từ 1/7/2013; khả năng thâm hụt thương mại tăng cao và sẽ tác động tới lạm phát tăng; Chính phủ thực hiện một số các điều chỉnh về giá dịch vụ, điện, xăng dầu; chu kỳ tăng giá ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 tới cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng cao; tồn kho sản phẩm sẽ tăng cao trở lại, chi phí sản xuất tăng làm cho giá cả sản phẩm tăng.

Do đó, để có thể hạn chế rủi ro và có thể đạt được chỉ số CPI dưới một con số trong năm 2013, cần phải có biện pháp hữu hiệu và lâu dài. Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách về giá cả, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để đưa ra các dự báo nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Bảo Ngọc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang