Kinh doanh hàng không: Chỉ chạy theo lợi nhuận mà quên vấn đề an toàn thì khó có thể tồn tại!

author 19:00 11/04/2019

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, lịch sử phát triển ngành hàng không đã chứng minh, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề an toàn thì khó có thể tồn tại.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Số lượng máy bay tại Việt Nam gấp 3 lần sau 1 thập kỷ

Trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008 - 2018, số lượng máy bay dân dụng tại Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ 60 chiếc (năm 2008) lên 192 chiếc (năm 2018). Thời điểm năm 2008, số lượng máy bay đi thuê là 29 chiếc, còn hiện nay chúng ta sở hữu 57 chiếc. Độ tuổi trung bình của đội bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi.

Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nếu trước đây chỉ có Vietnam Airlines cung cấp dịch vụ bay thì hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, cụ thể là Vietjet, Bamboo Airways. Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng.

 Số lượng máy bay tại Việt Nam gấp 3 lần sau 1 thập kỷ.

Đại diện Cục hàng không Việt Nam nhấn mạnh, đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008. Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc… Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững.

Bức tranh hàng không đẹp như hiện nay một phần nhờ tư nhân

Ông Phạm Văn Hảo nhấn mạnh, bức tranh hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, như Bamboo Airways, SunGroup với Vân Đồn, mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, hành khách đi máy bay. Sự cạnh tranh lành mạnh trong hàng không tạo ra lợi ích cho cả cộng đồng và uy tín của quốc gia.

Theo ông Hảo, hàng không không chỉ chấp hành quy định trong nước mà cả quốc tế, an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, không đáp ứng được vấn đề an toàn, khó có thể tồn tại. Lịch sử phát triển ngành hàng không đã chứng minh điều này. An toàn không chỉ quyết định sự tồn tại của một hãng hàng không mà còn là danh dự, uy tín của cả quốc gia.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung (cầm micro).

Về vấn đề này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, hai câu chuyện lớn nhất dẫn đến sự phát triển của hàng không Việt Nam là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân, đặc tính các phân khúc dân số Việt Nam. Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này kéo hàng không tăng trưởng, vừa là sức ép với hàng không Việt Nam, cùng nhu cầu dịch chuyển của con người ở các phân khúc khác nhau.

Ông Thành nhận định, cái hay nhất của hàng không Việt Nam thời gian qua là cạnh tranh, không có cạnh tranh thì tất cả nhu cầu của chúng ta không có. “Cạnh tranh của hàng không Việt Nam có cái chung của cạnh tranh trên thị trường nhưng có cái rất đặc biệt. Đây là cuộc chơi của các công ty hàng không và điều hành của nhà nước số lượng không thể vô hạn như trong taxi hay viễn thông, có người vào thì có người ra, không cần nhiều quá nhưng luôn luôn có áp lực cạnh tranh và quản lý hàng không Việt Nam phải tạo ra áp lực đó”, ông Thành nói.

Hàng không đang tăng trưởng "nóng"?

Nói về vấn đề hàng không Việt Nam có đang tăng trưởng “nóng”, ông Trần Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, cùng với kinh tế phát triển, nhu cầu vận tải sẽ tăng lên. Đó là nhu cầu tất yếu.

“Từ những con số trên, nhiều người đặt câu hỏi “hàng không Việt Nam tăng trưởng nóng” nhưng theo tôi, nóng vì đó là 2 con số nhưng nóng đến đâu là do nhận định của người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ”, ông Phương nói.

Đại diện Bộ GTVT cũng lấy ví dụ, trước đây chúng ta chỉ có một hãng hàng không quốc gia. Sau đó, có các hãng hàng không khác, từ Công ty cổ phần của hãng hàng không quốc gia, các công ty của Vietjet, Bamboo, tức là số lượng hãng hàng không tăng lên và năng lực khai thác các nhà ga cũng tăng lên. Cả góc độ nhu cầu sử dụng và cung cấp dịch vụ đều có sự phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Đó là những con số rất ấn tượng.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, ông Đỗ Đức Tú cho hay, việc hàng không phát triển nóng hay không tùy thuộc vào mỗi người. Ông Tú lấy ví dụ cho sự phát triển nóng của hàng không là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay này quá tải không chỉ ở giao thông kết nối, nhà ga, sân đỗ mà ngay cả đường cất, hạ cánh cũng quá tải. “Sự phát triển nóng của hàng không có mặt tích cực và cả hệ luỵ nhất định”, ông Tú khẳng định.

Hàng không và du lịch – Cái 'bắt tay' nghìn tỷ(VietQ.vn) - Việt Nam đang là một trong những điểm đến du lịch thu hút hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, điều này đã tạo động lực thúc đẩy những cái "bắt tay" nghìn tỷ giữa các ông lớn trong ngành du lịch và hàng không, góp phần tạo nên một xu hướng mới.

Theo ông Tú, tích cực vì đây là cơ hội phát triển hàng không, phát triển kinh doanh vận tải hàng không. Nhưng tăng trưởng quá nhanh, khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng chưa theo kịp tốc độ của vận tải. Kế đó là vấn đề con người. "Các hãng hàng không có thể huy động được nguồn vốn để thành lập một hãng hàng không, ký hợp đồng mua tàu bay rất lớn, nhưng con người là vấn đề phải quan tâm. Có phương tiện nhưng phải có người vận hành đảm bảo an toàn tuyệt đối", ông Tú nêu ý kiến.

Thảo Nguyên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang