Kinh doanh online liệu có chiếm trọn ‘miếng bánh’ của kinh doanh truyền thống?

author 06:52 15/09/2020

(VietQ.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng kinh doanh online đang lên ngôi, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Câu hỏi đặt ra là liệu chỗ đứng của kinh doanh truyền thống có bị lung lay?

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Vô hình chung, việc thực hiện giãn cách xã hội hoặc hạn chế đi lại trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh online tăng trưởng, nhằm hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp.

Trong đó, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường bán lẻ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu chỗ đứng của kinh doanh truyền thống có bị lung lay trước hình thức kinh doanh online đang phất lên như diều gặp gió?

Trước câu hỏi này, nhiều người cho rằng sớm muộn kinh doanh online cũng sẽ chiếm trọn “miếng bánh” của kinh doanh truyền thống. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thương mại điện tử sẽ không lấy mất “phần bánh” của bán lẻ truyền thống, mà sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Sự thông minh của nhà bán lẻ chính là biết cách kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh online, vừa giữ được trải nghiệm cho khách hàng, đồng thời lại không lỡ nhịp Cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh minh họa. 

Cụ thể, theo một kết quả nghiên cứu của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International (với hơn 1000 chuyên gia nghiên cứu thị trường và chuyên gia tư vấn toàn cầu cung cấp thông tin thị trường), 66% người Việt sẽ sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để được trải nghiệm, cho thấy gu mua sắm của người tiêu dùng Việt muốn nhìn tận mắt, thử tận tay sản phẩm. Trong khi đó, nhiều nhãn hàng lớn, trước đây người tiêu dùng chỉ có thể đặt từ nước ngoài thì nay đã xuất hiện tại Trung tâm thương mại lớn. Khách hàng có thể tới Vincom, Lotte, Aeon Mall… lựa chọn và mua trực tiếp, thay vì phải đợi oder mất cả tháng trời, thoả mãn nhu cầu trải nghiệm mua sắm ngày càng cao của mình.

Đồng thời, bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á dẫn số liệu: 80% doanh thu bán lẻ đều đến từ các cửa hàng thực thể, 90% khách hàng sẽ mua nhiều hơn vào lần sau, sau khi đến cửa hàng thực thể để nhận hàng đã mua trực tuyến. Điều đó là minh chứng cho thấy người tiêu dùng ưu tiên trải nghiệm thực, đồng nghĩa với việc kinh doanh truyền thống vẫn nắm giữ vai trò quan trọng, ngay cả khi kinh doanh online phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Mặc dù vậy, sự phát triển của kênh bán lẻ online vẫn là xu thế không thể chối bỏ. Theo Google, thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm gần 50% từ nay cho đến 6 năm tới. Vì thế, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú kết luận, bối cảnh hiện tại là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình, đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn.

“Thứ nhất, chất lượng hàng hóa kinh doanh phải nâng lên một bước, nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại, nơi người tiêu dùng thường đặt niềm tin cao nhất. Thứ hai, doanh nghiệp thành công là khi biết cách kết hợp cả kinh doanh online và kinh doanh truyền thống để phục vụ mục tiêu lớn nhất là đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày cao của người tiêu dùng”, vị chuyên gia nhận định.

"Việc hợp tác giữa online và offline đã, đang và sẽ là xu hướng, bởi nó sẽ đem lại lợi ích cho cả 3 phía người tiêu dùng, nhà bán lẻ truyền thống và nhà bán lẻ trực tuyến. Nếu như chỉ giữ kênh truyền thống thì các nhà bán lẻ sẽ bị giới hạn bởi không gian địa lý và bị mất đi đối tượng khách hàng sinh ra ở thời kỳ bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh (hay còn gọn là thế hệ Gen Z).

Doanh nghiệp bán lẻ nếu chỉ dựa vào kênh bán hàng online thì sẽ thiếu kênh tương tác với khách hàng và kênh để khách hàng trải nghiệm, tìm hiểu sản phẩm trước khi mua sắm" - Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh & thương mại điện tử FPT Digital Retail Ngô Quốc Bảo cho hay.

Nâng cao năng suất lao động ngành bán lẻ giúp cạnh tranh với hàng hóa EU(VietQ.vn) - Khi EVFTA có hiệu lực, để có thể trụ vững trên sân nhà, các nhà sản xuất Việt Nam phải vươn lên để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa với hàng hóa của các nước.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang