Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách thông tin KH&CN và một số khuyến nghị cho Việt Nam

author 10:06 25/07/2021

(VietQ.vn) - Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) giữ vai trò quan trọng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, là cầu nối gắn kết khu vực nghiên cứu với sản xuất. Trên cơ sở khái quát kinh nghiệm trong xây dựng chính sách thông tin KH&CN trên thế giới, bài viết nhận diện những xu thế cơ bản trong xây dựng chính sách thông tin KH&CN và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách thông tin KH&CN

Khung chính sách thông tin KH&CN quốc gia do UNESCO đề xướng

Năm 2009, nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình thông tin cho mọi người (Information for all programme - IFAP) của UNESCO đã công bố công trình nghiên cứu “National information society policy: a template” (tạm dịch: Chính sách quốc gia về xã hội thông tin: một mô hình), đây là công trình nghiên cứu chứa đựng nhiều thông tin, dữ kiện khoa học làm nền tảng trong quá trình hoạch định chính sách thông tin KH&CN của mỗi quốc gia được UNESCO khuyến nghị cho các nước thành viên trên cơ sở cung cấp một hình mẫu để xây dựng chính sách trên tinh thần mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin KH&CN để cải thiện cuộc sống của họ. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã đưa ra khung chính sách thông tin quốc gia theo mô hình ở hình 1.

Nhóm nghiên cứu đã cơ bản phác thảo những ưu tiên trong chính sách thông tin KH&CN quốc gia bao gồm: thông tin cho sự phát triển; năng lực (kỹ năng thông tin), bảo quản thông tin, đạo đức thông tin; khả năng tiếp cận thông tin. Đây là những trụ cột cơ bản để xây dựng chính sách cho các quốc gia thành viên.

Để triển khai các nội dung này, chính sách thông tin KH&CN được khuyến nghị hướng đến 3 mục tiêu cơ bản đó là: i) Dân chủ hóa việc tiếp cận thông tin: nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền tiếp cận và hưởng thụ của công dân, thúc đẩy giáo dục, phát triển địa phương, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, phát triển kỹ thuật số và truy cập toàn cầu; ii) Phát triển năng lực với việc thiết lập hỗ trợ thúc đẩy các chiến lược phát triển kỹ năng sử dụng thông tin KH&CN cho từng nhóm lĩnh vực trong xã hội; iii) Hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo ra các quy tắc chủ yếu và các quy định về bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, khuyến khích sử dụng thông tin; đa dạng hóa các phương thức tiếp cận thông tin cho công dân bao gồm cả truyền thống và hiện đại (kỹ thuật số).

Xây dựng chính sách thông tin KH&CN tại một số quốc gia châu Á

Trung Quốc: mạng lưới tổ chức thông tin KH&CN tại Trung Quốc được xây dựng dựa trên 3 lĩnh vực cơ bản đó là: thư viện, tư liệu và thông tin. Chính sách thông tin KH&CN của Trung Quốc hướng tới việc đa dạng hóa các loại hình tổ chức thông tin KH&CN, trong đó Viện Thông tin KH&CN (ISTIC) giữ vai trò quan trọng trong việc phối hợp giữa các tổ chức thông tin KH&CN khác; tổ chức này giữ vai trò điều hòa và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức thông tin KH&CN. ISTIC đã phát triển mạnh mẽ các tài nguyên học thuật, cơ sở dữ liệu trích dẫn KH&CN, phục vụ nghiên cứu, hỗ trợ các quyết định KH&CN, phân tích bằng sáng chế và hỗ trợ dữ liệu cho hoạt động đổi mới. ISTIC nói riêng và mạng lưới tổ chức thông tin KH&CN của Trung Quốc nói chung kiên định với định hướng tạo phúc lợi cho cộng đồng, tuân thủ quản lý khoa học độc lập, phát triển các dịch vụ KH&CN trên nền tảng tích hợp các nguồn lực, tài năng và lợi thế công nghệ.

Hàn Quốc: chính sách thông tin KH&CN tại Hàn Quốc đã xây dựng trên cơ sở là cầu nối gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của khu vực nghiên cứu với hoạt động đổi mới của khu vực sản xuất. Toàn bộ hoạt động của mạng lưới tổ chức thông tin KH&CN được điều phối bởi Viện Thông tin KH&CN Hàn Quốc (KISTI). KISTI được xây dựng theo mô hình viện nghiên cứu do Chính phủ tài trợ nhằm tối đa hóa hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và triển khai, tổ chức này được xây dựng dựa trên nền tảng thu thập thông tin KH&CN của nhiều quốc gia trên thế giới và trong nước để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu. KISTI được xây dựng dựa trên 4 nền tảng chính là: siêu máy tính, tích hợp thông tin tiên tiến, tích hợp nghiên cứu khoa học và hỗ trợ kỹ thuật, đổi mới trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính sách thông tin KH&CN tại Hàn Quốc hướng các tổ chức thông tin KH&CN của quốc gia này tạo ra giá trị cho khách hàng, thúc đẩy phát triển một môi trường nghiên cứu mở nhằm đạt đến giá trị cốt lõi đó là phục vụ nhu cầu thông tin KH&CN của các tổ chức và cá nhân.

Nhật Bản: chính sách thông tin KH&CN tại Nhật Bản hướng hoạt động thông tin KH&CN với các tổ chức sản xuất, công ty nhằm đưa các thành tựu trong nghiên cứu vào sản xuất, tới sự vận hành của một tổ chức trung tâm là Cơ quan phát triển KH&CN Nhật Bản (JST). JST đóng vai trò trung tâm trong các kế hoạch cơ bản về KH&CN dựa trên các mục tiêu do Chính phủ ban hành. JST tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ mới, cung cấp thông tin KH&CN, bồi dưỡng nhân lực KH&CN.

Malaysia: mạng lưới thông tin KH&CN quốc gia của Malaysia được nhà nước hết sức đầu tư và coi đó là một trong những vấn đề đầu tư trọng điểm của đất nước. Trong đó, Trung tâm Thông tin KH&CN Malaysia (MASTIC) là cơ quan của Bộ KH&CN Malaysia giữ vai trò trong việc phát triển mạng lưới thông tin KH&CN. MASTIC đã tham gia các hoạt động KH&CN của đất nước, chú trọng đến phổ biến thông tin tri thức KH&CN tới toàn thể cộng đồng và hướng đến xây dựng các cơ sở dữ liệu về KH&CN, các dịch vụ thông tin KH&CN [9].

Hình 1.  Sơ đồ của IFAP tiếp cận khung chính sách thông tin quốc gia. 

Xây dựng chính sách thông tin KH&CN của Iceland

Mục tiêu xây dựng chính sách mà Iceland hướng tới là sẽ trở thành quốc gia hàng đầu trong việc sử dụng thông tin KH&CN trên nền tảng công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của người dân. Để theo đuổi mục tiêu này, chính sách của Iceland bao gồm những nội dung cơ bản: i) Tạo thuận lợi cho công dân tiếp cận thông tin; ii) Tạo ra sự bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư trong cung ứng thông tin KH&CN cho người dân; iii) Công nghệ thông tin và viễn thông trở thành nòng cốt và là phương tiện cơ bản giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin KH&CN; iv) Cải thiện hệ thống giáo dục, tập trung cho giáo dục phổ thông và thường xuyên trên nền tảng những lợi thế mà hoạt động thông tin KH&CN tạo ra, dựa trên giữ gìn bản sắc văn hóa và ngôn ngữ; v) Rà soát các khung pháp lý có liên quan đến hoạt động thông tin KH&CN, hướng đến bảo vệ quyền tiếp cận thông tin KH&CN của tổ chức cá nhân.

Xây dựng chính sách thông tin KH&CN tại một số quốc gia Nam Mỹ

Brazil: công cụ để xây dựng chính sách tại Brazil là Chương trình xã hội thông tin được ban hành năm 1999 của Bộ KH&CN, từ đó đến nay, chính sách thông tin KH&CN của quốc gia này luôn hướng đến các nội dung cơ bản: xã hội thông tin cho giáo dục, thông tin cho giữ gìn bản sắc văn hóa, vai trò của Chính phủ đối với bảo đảm thông tin cho mọi người; nghiên cứu và triển khai áp dụng công nghệ vào xã hội thông tin và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển các dịch vụ thông tin KH&CN.

Chile: việc hoạch định chính sách thông tin KH&CN được thực hiện bởi Hội đồng công nghệ thông tin và truyền thông do Tổng thống Chile thành lập; các chính sách về thông tin KH&CN tại quốc gia này nhằm hướng tới xây dựng xã hội thông tin; dựa trên nền tảng phát triển của KH&CN với sự tham gia của các đại diện của cả khu vực công và khu vực tư cùng với các tổ chức xã hội dân sự.

Nhận diện xu thế và đề xuất cho Việt Nam

Trên cơ sở khái quát kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng chính sách thông tin KH&CN trên thế giới, tác giả xin đưa ra một số nhận diện về xu hướng trong xây dựng chính sách này như sau:

Thứ nhất, chính sách thông tin KH&CN của các quốc gia trên thế giới được xây dựng dựa trên mục tiêu có tính chất nền tảng đó là bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của mọi tổ chức, cá nhân trong đó tự do, bình đẳng và dân chủ hóa trong tiếp cận là yếu tố then chốt trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại.

Thứ hai, Chính phủ có vai trò điều tiết thông qua chính sách, khuyến khích tổ chức xã hội dân sự, thành phần kinh tế tư nhân trong việc cung ứng các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân.

Thứ ba, chính sách thông tin KH&CN cần đảm bảo sự đa dạng về thành phần; trong đó các thiết chế hướng đến cộng đồng như: thư viện, bảo tàng, lưu trữ và các trung tâm thông tin ở địa phương được xem là đối tượng để hiện thực hóa chính sách.

Thứ tư, chính sách thông tin KH&CN thiết lập một hệ thống đảm bảo thông tin KH&CN được xây dựng trên nền tảng các thiết chế có tính phục vụ cộng đồng cao, đó là: thư viện, lưu trữ, trung tâm thông tin... Đồng thời, gắn chặt với hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chuyển giao tri thức, chuyển giao công nghệ.

Thứ năm, chính sách thông tin KH&CN thiết lập một mạng lưới tổ chức thông tin KH&CN với sự đa dạng, bao gồm cả khu vực công và khu vực tư, trong đó khu vực công giữ vai trò nền tảng, khu vực tư giữ vai trò chủ yếu trong cung ứng sản phẩm và dịch vụ. Chính phủ giữ vai trò điều tiết vĩ mô thông qua các chính sách khuyến khích, kích cầu thị trường thông tin KH&CN với những tổ chức đặc thù, chuyên biệt.

Từ những phân tích trên, chính sách thông tin KH&CN ở Việt Nam cần được xây dựng dựa trên nền tảng triết lý: hoạt động thông tin KH&CN lấy việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp làm trung tâm; Nhà nước thừa nhận một hệ thống với nhiều thành phần hoạt động thông tin KH&CN trên tinh thần bình đẳng, tự chủ với mục đích hướng tới cộng đồng, trong đó Nhà nước giữ vai trò điều tiết, tạo động lực phát triển; tư nhân và các tổ chức xã hội giữ vai trò nòng cốt trong việc cung ứng sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN. Thông tin KH&CN luôn đi trước, mở đường, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động đổi mới.

Hoạt động thông tin KH&CN được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển của công nghệ thông tin và các thành tựu KH&CN khác. Lấy việc xây dựng sản phẩm và dịch vụ thông tin KH&CN là trọng tâm, xác định các sản phẩm và dịch vụ chiến lược, chủ lực, tạo ra lợi nhuận, doanh thu trong hoạt động thông tin KH&CN. Người dân trở thành chủ thể chính trong hoạt động thông tin KH&CN bằng việc tạo ra thông tin, tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến, trao đổi và sử dụng thông tin; được sử dụng các sản phẩm và dịch vụ từ các thiết chế cung cấp thông tin KH&CN trên nguyên tắc tự do, bình đẳng trong tiếp cận.

Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang