Làm thế nào để khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo tại Việt Nam?

authorViết Cường 10:04 15/09/2018

(VietQ.vn) - Việt Nam là thị trường tiềm năng cho hàng loạt các dự án phát triển năng lượng tái tạo, với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD.

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Tại Hội thảo "Ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo và sức khỏe cộng đồng", các chuyên gia cho biết, Việt Nam được các tổ chức quốc tế và ngân hàng thế giới đánh giá là một trong những nước có tiềm năng hàng đầu cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), với công suất dự báo hơn 53.000 (MW). Với bờ biển dài 3.260km, với tốc độ gió từ 6m/s trở lên và bức xạ mặt trời từ 4 - 6 (kWh/m2), nước ta là thị trường tiềm năng cho hàng loạt các dự án phát triển NLTT với tổng số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, được các quỹ tài chính hàng đầu hỗ trợ.

Năng lượng mặt trời (NLMT) ở nước ta có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước. Đặc biệt, số ngày nắng trung bình trên các tỉnh miền trung và miền nam là khoảng 300 ngày/năm. NLMT có thể được khai thác cho hai nhu cầu sử dụng: sản xuất điện và cung cấp nhiệt.

 Bản đồ tiềm năng bức xạ mặt trời Việt Nam. Ảnh: Ngọc Xen

Với những mục tiêu trong chiến lược phát triển NLTT quốc gia như đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1,0% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và 5,0% vào năm 2050, việc xác định tiềm năng gió lý thuyết và thực tế tại Việt Nam là rất quan trọng. Hiện nay, tiềm năng thực tế của năng lượng gió phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Tốc độ gió trung bình, diện tích đất phù hợp để lắp đặt máy phát tua-bin gió, hiệu quả của các máy phát điện và khả năng tải của hệ thống lưới điện.

 Bản đồ tốc độ gió tại độ cao 100m. Ảnh: Ngọc Xen

Nước ta cũng có nguồn tài nguyên sinh khối dồi dào từ phế phẩm nông nghiệp như gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía... đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm trải dài trên toàn quốc. Nguyên liệu sinh khối chủ yếu được sử dụng cho mục đích đun nấu và sản xuất phân bón nông nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, việc sử dụng sinh khối cho mục đích phát điện đang được Chính phủ đặt trọng tâm để nghiên cứu và triển khai, đồng thời phương án áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) cũng được tính đến. Ngoài ra, một công dụng khác cũng cần được tính đến là tiềm năng sản xuất xăng sinh học, làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nhập khẩu xăng, dầu từ quốc tế.

Nguyên liệu sinh khối tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Xen 

Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26.000 (MW), tương ứng gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm, có thể sản xuất hơn 100 tỷ kWh, trong đó nói riêng thủy điện nhỏ có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15 - 20 tỷ kWh/năm.

Hiện nay, 1.000 điểm với tổng công suất hơn 700 (MW) đã được xác định.

Thủy điện nhỏ trên thế giới. Ảnh: Ngọc Xen 

Ngoài ra, theo khảo sát và đánh giá của các nhà khoa học, nước ta hiện có khoảng 264 nguồn, suối nước nóng phân bố tương đối đều trên cả nước như: suối nước nóng Kim Bôi - Hòa Bình, Thạch Bích - Quảng Ngãi, Bình Châu - Bà Rịa - Vũng Tàu... với nhiệt độ trung bình từ 70 - 100°C ở độ sâu 3km.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng trưởng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015, dự báo trong thời gian sắp tới sẽ vẫn tiếp tục ở mức 9 - 10%/năm, gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP.

Để đáp ứng nhu cầu về điện, nước ta đang xây dựng ngày càng nhiều nhà máy nhiệt điện than. Từ năm 2013 đến năm 2030, công suất phát điện dự kiến sẽ tăng hơn 10 lần, từ hơn 6.000 (MW) đến 75.000 (MW). Với xu hướng gia tăng các nhà máy nhiệt điện than, nước ta sẽ phải tìm ra các giải pháp để nhập khẩu lượng than lớn, lên đến vài chục triệu mỗi năm, do lượng than nội địa đang dần cạn kiệt. Đi kèm đó là những tác động tiêu cực tới xã hội và môi trường từ các nhà máy điện than sẽ gia tăng theo thời gian.

TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) cho biết, trong các giải pháp tạo năng lượng điện cho quốc gia, giải pháp nhiệt điện than là kém nhất, xét từ góc độ sức khỏe cộng đồng, chỉ riêng về chỉ số tử vong xét cùng đơn vị điện năng sản xuất, điện than tạo số chết gấp vài trăm lần so với giải pháp năng lượng tái tạo.

 TS.BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng. Ảnh: RTCCD

Trong bối cảnh đó, phát triển NLTT được chỉ ra là cơ hội cũng chính là thách thức để giải quyết nhu cầu năng lượng cũng như đảm bảo mục tiêu cho phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển các nguồn NLTT sẵn có. Tuy nhiên, thời gian trước đây, việc đầu tư cho phát triển NLTT tại nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Nguyên nhân của tình trạng này chính là tính kinh tế của nguồn NLTT chưa thực sự hấp dẫn, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ... đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT.

Gần đây, những tín hiệu tích cực như việc ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại nước ta, hay việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển NLTT quốc gia đang được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các bên liên quan rất hoan nghênh và hưởng ứng. Rất nhiều nhà đầu tư đã tìm thấy cơ hội và đang hoàn tất khâu chuẩn bị cuối cùng để tham gia vào thị trường Việt Nam. Đây là cơ sở để kì vọng việc gia tăng số lượng các dự án NLTT trên toàn quốc trong thời gian sắp tới.

Năng lượng tái tạo: Giải thoát cho bầu không khí, cứu cánh nguồn năng lượng(VietQ.vn) - Nhiệt điện than - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của người dân.

Ngọc Xen

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang