Làm thực phẩm sạch có phải ai cũng thành công?

author 06:29 30/07/2016

(VietQ.vn) - Nhu cầu thực phẩm sạch lúc nào cũng có thật, và rất lớn, nhưng để kinh doanh thành công hóa ra lại là những sự trần ai.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đang có khá nhiều mô hình đầu tư làm thực phẩm sạch, cùng với phong trào nhà nhà, người người làm thực phẩm sạch. Không ít ông nông dân có vốn nhỏ, với mảnh vườn vài ngàn mét vuông, bỏ ra thêm vài chục triệu trồng rau sạch. Một chủ trang trại nuôi heo, nuôi gà cũng công bố áp dụng các tiêu chuẩn nuôi sạch.

Khá nhiều các doanh nghiệp lớn, dù không phải nghề chính, cũng đổ tiền tỷ vào đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại, áp dụng quy trình kỹ thuật cao làm thực phẩm sạch…

Nhu cầu thực phẩm sạch lúc nào cũng có thật, và rất lớn, nhưng để kinh doanh thành công hóa ra lại là những sự trần ai.

Nhu cầu thực phẩm sạch lúc nào cũng có thật, và rất lớn, nhưng để kinh doanh thành công hóa ra lại là những sự trần ai. 

Buổi sáng một ngày giữa tuần cuối tháng 7, cửa hàng bán rau sạch của công ty Veeteq trên đường Điện Biên Phủ, quận 10, chỉ có lác đác mấy người, nhưng không phải khách hàng mà là nhân viên bán hàng.

Căn nhà làm cửa hàng bán rau đầu tiên này của Veeteq nằm ngay mặt tiền Điện Biên Phủ. Tầng trệt là nơi bán trái cây, tầng một bán rau được gắn máy lạnh khắp nơi.

Mới bước vào có cảnh giác…lạnh người. Các tủ rau tầng một được thiết kế điều hòa làm mát, có màn cửa bằng ni lông phủ bên ngoài. Muốn lấy rau củ phải kéo tấm màn lên.

Trên thị trường hiện nay, kể cả ở hệ thống siêu thị lớn cũng như các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi…không có nơi nào thiết kế không gian bán rau hiện đại như Veeteq.

Có đến 400 mặt hàng rau củ quả, trái cây đang được bán ở cửa hàng Veeteq. Hầu hết rau củ quả được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Ấy vậy mà, cửa hàng này vẫn không lấy lòng được người mua.

Chúng tôi hỏi cô nhân viên doanh số mỗi ngày thu về bao nhiêu, cô bảo khoảng 8-9 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ trang trải chi phí mặt bằng và tiền điện nước vận hành hệ thống chứ đừng nói trả lương nhân viên hay có lời.

Trước đó khoảng một tuần Veeteq đã rùm benh cắt băng công bố bán rau sạch. Công ty này bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng làm nhà kính, giá thể, hạt giống, khu trang trại, khu sơ chế, cửa hàng và hệ thống thiết bị giám sát bằng live camera 24/24 để kiểm tra chất lượng rau trên diện tích 2,5 ha tại Củ Chi.

Ông Lương Trọng Khoa, Chủ tịch HĐQT Veeteq cho biết dù lường định được nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân hiện nay là có thật, nhưng cũng khiêm tốn cho hay mô hình này phải chịu lỗ ít nhất… bốn năm mới có lời.

Qủa đúng như lời ông Khoa tiên lượng, sau hơn tuần chào sân, cửa hàng Veeteq vẫn chỉ có lèo tèo khách tới lui.

Nguyên nhân thì có nhiều. Nào là thương hiệu mới, quảng bá chưa đủ áp phê, người dùng chưa biết nhiều. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là giá cả.

Giá rau được bày bán ở cửa hàng số 554 Điện Biên Phủ đang được niêm yết khá cao, nếu không muốn nói là quá cao khi gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với thị trường.

Chẳng hạn, các chủng loại rau ăn lá như xà sách có giá…70.000 đồng/kg. Cải ngọt, mồng tơi, rau dền, ngay cả bó rau muống được xem là bình dân nhất cũng có giá 40.000-50.000 đồng/kg.

Một khách hàng kể rằng hôm khi quảng cáo Veeteq bán rau sạch cũng ghé vào xem thử rồi chọn 1kg xà lách giá 70.000 đồng. Chị bảo rằng ngon thì có ngon thiệt, nào lá rau mỏng, rất dòn và ngọt hơn rau xà lách mua ở chợ, nhưng cả nhà ăn chỉ được 1 bữa.

Chị nói vui: mỗi ngày chi phí mua rau chợ hết có 25.000 đồng. Đằng này ăn một bữa rau sạch phải nhịn ba ngày rau thường.

Có rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả nông dân đang làm rau tiêu chuẩn sạch vướng phải vấn đề giá cao như Veeteq nên không thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh được.

Câu chuyện thoạt nghe giống như cảnh của những người bán hoa ngày Tết. Tận đến ngày 30 tết, người bán hoa ở các công viên vẫn chưa thể bán hết hàng.

Người mua thì vẫn chờ đến “giờ chót” hy vọng mua được hoa rẻ nhưng người bán quyết không bán rẻ mà đem hủy bỏ hết hoa.

Hỏi vì sao không hạ giá để vớt vát thêm chút ít thì người bán giải thích: nếu hạ giá thì năm sau người dân cứ chờ đến ngày cuối mới đi mua hoa cho rẻ. Thà mất sạch một lần còn hơn là năm nào cũng phải bán rẻ như vậy. Nghe cũng có lý.

Có thể người làm sản phẩm sạch phải chờ thêm một thời gian nữa để cho thói quen người dùng thay đổi.

Quan trọng là cần thời gian để mặt bằng thu nhập của người dân cao hơn, khi đó mới đủ tiền ăn rau sạch. Còn bây giờ, tiền ít thì chắc hẳn vẫn phải ăn rau chợ, rau hóa chất.

Minh Khoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang