Lao động Trung Quốc vào Việt Nam: Vẫn chưa đánh giá!

author 16:55 21/03/2014

(VietQ.vn) - Trong khi tỷ lệ người trẻ Việt thất nghiệp đang ở mức cao thì một lượng lớn lao động nước ngoài không phép lại gia tăng bất thường…

Ngày 21/3, lần đầu tiên Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam được ra mắt. Rất nhiều những con số, đánh giá về thị trường lao động, việc làm, tiền lương, đời sống người lao động…được đưa ra song lại hoàn toàn vắng bóng đối tượng lao động người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

Trả lời thắc mắc này, ông Nguyễn Bá Ngọc được ông Nguyễn Bá Ngọc – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Lao động, cũng thừa nhận hạn chế về thông tin đánh giá: “Lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam cũng là đối tượng trong thị trường lao động. Trong bản tin lần sau, chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật thông tin để đánh giá sau”, ông Ngọc nói.

Trước đó, nhiều thông tin phản ánh câu chuyện “ ra ngõ gặp …lao động Trung Quốc” tại các tỉnh miền Trung.

Cụ thể, tại Khu Kinh tế Vũng Áng có đến 3.000- 4.000 lao động nước ngoài làm việc, chủ yếu là người Trung Quốc. Con số này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2014 với  khoảng 6.000 lao động nước ngoài đến làm việc tại KKT Vũng Áng.

Cùng công việc nhưng lao động Trung Quốc được nhận mức lương cao hơn so với lao động Việt

Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Tĩnh cho thấy hiện trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng hơn 3.200 lao động nước ngoài . Trong đó, chỉ  khoảng1.300 người được cấp giấy phép lao động. Số còn lại (khoảng 2000 lao động) người nước ngoài đang làm việc chui, không giấy phép, trong đó  chủ yếu là người Trung Quốc.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận kế hoạch sử dụng lao động người nước ngoài của một số dự án đang triển khai tại Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia). Theo đó, có hàng trăm người Trung Quốc sẽ được cấp phép làm việc tại đây.

Đáng nói, để được cấp phép, đã có hiện tượng  lao động phổ thông Trung Quốc khi sang việt Nam làm việc, lách luật bằng cách gắn chức danh là “kỹ sư” hoặc “chuyên gia” .Chính vì vậy, mới xảy ra nghị lý, cùng một công việc nhưng lao động Trung Quốc lại nhận mức lương cao hơn lao động người Việt.

Trong khi đó, nhìn lại tổng thể thị trường lao động Việt Nam năm vẫn được đánh giá là một thị trường dư thừa lao động và phát triển không đồng đều. Một số nhóm ngành tuyển nhiều lao động phổ thông như thủy sản, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật dệt may, thiết kế thời trang…không tuyển đủ, trong khi đó nhiều lao động có chuyên môn nghiệp vụ như kế toán, quản trị kinh doanh công nghệ thông tin …lại không tìm được việc.

Theo báo cáo mời nhất  về tình hính thất nghiệp tại Việt Nam, tỷ lệ lao động dưới 25 tuổi thất nghiệp đang cao gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp trong nước nói chung, ở mức 5,95% trong quý 4 năm 2013. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trẻ ở khu vực thành thị tiếp tục ở mức cao, đạt tỉ lệ hơn 11% trong giai đoạn này.

Hơn nữa, Việt Nam ghi nhận tốc độ gia tăng 2,2% trong nhóm việc làm dễ bị tổn thương (bao gồm lao động tự làm hoặc lao động gia đình) trong quý 4/2013 so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng số việc làm chỉ tăng 1,7%. Kết quả là, việc làm dễ bị tổn thương tại Việt Nam chiếm tới 62,1% tổng số việc làm. Con số này cao hơn nhiều so với mức chung của thế giới (47,7%).

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang