Lolita xứng đáng nhận giải thưởng văn học thủ đô

author 11:52 04/10/2012

(VietQ.vn) - Bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết “Lolita” từng gây tranh cãi của dịch giả Dương Tường đã lọt vào danh sách 5 tác phẩm được vinh danh trong đợt trao giải thưởng văn học thủ đô năm 2012.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội đồng chấm giải, đã chia sẻ lý do chọn “Lolita” nhận giải thưởng hạng mục văn học dịch năm nay.

Tiểu thuyết Lolita

Thưa ông, ngay sau khi ra đời, tiểu thuyết “Lolitia” bản dịch tiếng Việt nhận đã được nhiều ý kiến trái chiều. Vậy hội đồng nghệ thuật đã xem xét dư luận như thế nào để đi tới quyết định chọn “Lolita” là tác phẩm đạt giải mảng văn học dịch năm nay?

“Lolita” là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ gốc Nga Vladimia Nabokov, là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nền văn học thế giới thế kỉ 20. Nổi tiếng về văn phong nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng, tác phẩm thách đố người dịch vì trong này gần như toàn bộ tài năng văn chương của Nabokov. Đầu năm nay, khi bản dịch “Lolita” của dịch giả Dương Tường ra đời sau 2 năm lao động miệt mài, được coi là một sự kiện của văn học. Chúng ta chào mừng sự kiện đó vì một tác phẩm lớn đã đến với độc giả Việt Nam qua một dịch giả nổi tiếng, chuyên nghiệp.

Sau đó cũng có một chuyện nữa liên quan đến dịch thuật. Luồng ý kiến góp ý đã hướng đến “Lolita”. Chúng tôi đã đọc với tư cách là một người đọc, cùng đồng thời với tư cách của một hội đồng nghệ thuật. Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, tại cuộc họp của hội đồng, chúng tôi đã nhận xét như sau: đây là 1 bản dịch công phu, đáng tin cậy xét trên tổng thể. Nó đã chuyển tải được tinh thần nội dung của Nabokov. Trong này có những ngôn ngữ gây tranh cãi, có thể có những sai sót về từ nhưng không làm sai lạc nội dung. Trong quá trình đó, dịch giả cũng như Công ty truyền thông Nhã Nam đã tiếp thu các ý kiến, sau đó tái bản lại vào tháng 8 năm nay để tham gia xét giải thưởng văn học thủ đô.

Còn điều gì ở tác phẩm dịch này ngoài sự công phu trong việc chuyển tải ngôn ngữ của dịch giả được hội đồng nghệ thuật ghi nhận?

Chúng tôi muốn khẳng định thành quả lao động của dịch giả. Đồng thời, qua giải thưởng này cũng đặt ra vấn đề cho các dịch giả văn học là phải đề cao tinh thần làm việc nghiêm túc, thận trọng. Trong dịch thuật, sai sót bao giờ cũng có. Ngôn ngữ của mỗi dân tộc, ngay cả đơn thuần về từ ngữ đã không trùng khít, huống chi đằng sau nó là cả tư duy của một tộc người, còn là văn hóa lịch sử của một dân tộc. Mỗi dịch phẩm là một sáng tạo duy nhất. Cũng “Lolita”, bây giờ nếu có thêm một “Lolita” tiếng Việt nữa thì bản dịch của Dương Tường vẫn là duy nhất. Chúng ta đề cao sự nghiêm túc trong dịch thuật nhưng cũng đề cao cá tính của dịch giả. Điều tôi vừa nói cũng giống như ý nguyện của dịch giả Dương Tường: “tên của dịch giả được đặt sóng đôi với tác giả trong một tác phẩm dịch thuật”.

Chúng tôi cũng mong muốn cổ vũ cho người dịch vì đây là một tác phẩm khó. Nếu không có những người dung cảm thì không làm được. Nghề dịch vốn bạc bẽo. Nếu bản dịch hay của nước ngoài thì người ta chỉ biết đến tác giả. Còn nếu tác phẩm dở thì dịch giả lại là người chịu đòn vô số. Công lao của những người dịch giả rất thầm lặng.

Tác phẩm gốc của “Lolita” là một trong 10 tác phẩm gây tranh cãi lớn nhất vì nó đề cập vấn đề khá nhạy cảm là “ấu dâm”- tình yêu với trẻ con. Vậy bản dịch tiếng Việt của dịch giả Dương Tương đã chuyển tải tốt bao nhiêu phần trăm cả về nội dung và hình thức so với bản gốc, thưa ông?

Thực ra để đưa ra được cụ thể chúng ta cần phải đối chiếu văn bản tiếng Anh, cần thiết là cả bản tiếng Nga nữa. Những người phê phán Dương Tường cũng chỉ ra được một số câu chữ nhỏ lẻ chứ họ không nhìn trong một tổng thể để đánh giá.

Bằng trực giác khi chúng ta đọc một tác phẩm văn học dịch, chúng ta có thể thấy hay, thấy tiếng Việt được sử dụng như thế nào. Có thể nói ở bản dịch này, tiếng Việt của dịch giả Dương Tường rất linh hoạt. Chúng không gây ra những phản cảm, những lệch lạc, không gây ra cảm giác ngờ ngợ. Tôi đã đọc bản tiếng Nga do nhà văn Nabokov viết trực tiếp từ tiếng Anh sang tiếng Nga và đối chiếu với bản dịch tiếng Việt của dịch giả Duơng Tường thì thấy cơ bản là tương đồng. Sự tương đồng ở đây không phải là dịch chính xác từng từ một mà còn có những sáng tạo trong cách dịch, Việt hóa ngôn ngữ.

Xin cảm ơn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên!

Ngày 10/10 tới, Hội nhà văn Hà Nội sẽ tổ chức trao giải thưởng văn học thủ đô năm 2012. Hội đồng chấm giải đã chọn ra 5 tác phẩm thuộc 5 hạng mục là: văn xuôi, thơ, phê bình, dịch thuật, giải thành tựu thơ, để trao giải.

Với hạng mục văn xuôi, giải thưởng thuộc về tiểu thuyết “SBC săn bắt chuột” (Nhà xuất bản Trẻ) của nhà văn Hồ Anh Thái. Với đề cử duy nhất, tập thơ “Buổi câu hờ hững” – tác giả Nguyễn Bình Phương (NXB Văn Học, 9/2011) đã được hội đồng nhất trí cao với số phiếu tuyệt đối 9/9. Về mảng dịch thuật, giải thưởng thuộc về bản dịch tiểu thuyết “Lolita” do dịch giả Dương Tường thực hiện. Với số phiếu tuyệt đối 9/9, nhà phê bình Ngô Thảo đã đạt giải thưởng năm nay trong hạng mục phê bình với tác phẩm “Dĩ vãng phía trước” (Phương Nam Book và Nxb Hội Nhà văn). Giải thành tựu về thơ dành cho tập thơ “Xem đêm” của cố nhà thơ Phùng Cung.

Hà Ni thực hiện
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang