Múa rối nước: Nét văn hóa nghệ thuật độc đáo những ngày đầu xuân

authorTrần Thanh 05:49 13/02/2017

(VietQ.vn) - Trải qua hàng nghìn năm, múa rối nước vẫn có thể khiến người ta yêu thích bởi sự khéo léo của các nghệ nhân nơi đây.

Thôn Ðào Thục, xã Thuỵ Lâm, huyện Ðông Anh, thành phố Hà Nội từ lâu đã nổi danh là cái nôi của rối nước cổ truyền. Ðến nay, Ðào Thục vẫn là phường rối phát triển và có hoạt động biểu diễn thường xuyên nhất thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ðể những quân rối màu sắc được sống đời sống sinh động trên mặt nước là nhờ những người nông dân – nghệ sĩ yêu mến tha thiết loại hình nghệ thuật độc đáo này. 

Đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân cùng sự hòa điệu của âm nhạc, tiếng trống, tiếng đàn đã thổi hồn vào những con rối, khiến nó hiện lên thật sinh động và hấp dẫn.

Ðược mệnh danh là “đôi bàn tay vàng” của phường rối Ðào Thục, nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa mong muốn được giữ gìn nền nghệ thuật dân gian truyền thống mà cha ông đã để lại bằng niềm đam mê và sự khéo léo của mình:

“Là một nghệ nhân của phường thì cái đầu tiên là mình phải biết giữ gìn và lòng nhiệt tình. Nếu để giữ gìn lâu dài thì phải tạo dựng các lớp trẻ lên để truyền, giống như các cụ truyền cho mình thì mình lại truyền cho con cháu. Như hồi xưa thì tôi hát trên cạn 5 năm, sau tôi xuống dưới nước thì bình thường, mình đã hát rồi, lời hát nó nhập vào mình rồi thì diễn sẽ tốt ngay, bao giờ cái lời thoại cũng phải biết trước thì mới làm được, cộng với cái khéo léo của mình nữa, mình làm sao phải cho con rối nhập tâm, còn mình mà diễn hời hợt thì sẽ không thành, khi xuống diễn thì mình là con rối”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thỏa nói.

Múa rối nước loại hình nghệ thuật độc đáo những ngày đầu xuân

Từng ánh mắt dõi theo cử động của con rối, những nụ cười rạng rỡ, những tràng pháo tay giòn giã… của người xem như khích lệ tinh thần cho những nghệ nhân Đào Thục có thêm động lực để biểu diễn.

Vốn là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, tuy nhiên, bằng tình yêu và sự đam mê với nghệ thuật rối nước, họ đã khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng, say mê. Có du khách còn hưng phấn nhảy theo điệu nhạc nữa, ai cũng rất háo hức. Những cử chỉ đó đã thể hiện niềm yêu mến và trân trọng với môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc Việt Nam:

“Thật ra đây là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam mình còn, người Việt không xem nhiều lắm và cũng không có cơ hội được xem nhiều lắm, chỉ có dân làng nào mà duy trì được loại hình này thì dân làng xem, để người ta biết loại hình nghệ thuật truyền thống của quê mình, mình là nền văn minh lúa nước từ đời xưa và bây giờ vẫn là đất nước của cây lúa, người ta vẫn duy trì loại hình này để người ta biết được nông thôn mình cũng như loại hình nghệ thuật mà gắn liền với đời sống của người nông dân”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Việt Cường, một du khách đến từ Cầu Giấy, Hà Nội.

Dù bận rộn, mệt nhọc với công việc đồng áng nhưng các nghệ nhân làng Đào Thục vẫn hào hứng, say mê biểu diễn để phục vụ những đoàn khách quốc tế xa xôi đến thăm. Các vị khách phương tây tỏ vẻ thích thú khi được thưởng thức những tiết mục biểu diễn múa rối nước vui nhộn của những nghệ sĩ chân chất, mộc mạc nơi đây:

Tôi đến từ thành phố Boulogne của Pháp, tôi mới đến đây vài ngày nhưng tôi cảm thấy thích nền văn hóa Việt Nam cũng như buổi biểu diễn ở múa rối nước ở đây thì tôi cảm thấy rất thích thú”, đó là chia sẻ của anh Ferbu, một du khách đến từ Pháp.

Các thế hệ của làng Đào Thục đã ra sức bảo tồn và giữ gìn nét tinh túy của nghệ thuật rối nước mà cha ông đã để lại. Đến nay, phường rối nước Đào Thục đã phát triển và trụ vững với khoảng 38 đến 40 nghệ nhân. Đặc biệt phường đã đào tạo được một đội ngũ nghệ nhân biết đục đẽo, phủ sơn khá tinh xảo các con rối, theo các tích trò dân gian cổ truyền mang tính nghệ thuật thẩm mỹ tuyệt vời.

Múa rối nước loại hình nghệ thuật độc đáo những ngày đầu xuân

Pháo sáng tạo nên không gian thơ mộng, huyền ảo cho bài múa rối

Múa rối nước là nghệ thuật dân gian, mà dân gian thì gắn liền với đại chúng. Để phù hợp với nhịp phát triển của đất nước, bên cạnh những tích dân gian quen thuộc, các phường múa rối cũng sáng tạo thêm nhiều vở mới như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”,... mang hơi thở của xã hội hiện đại, gần gũi hơn với công chúng. 

Trong những dịp lễ tết như Trung thu, Giáng Sinh, Tết cổ truyền,... các nhà hát múa rối còn tổ chức những chương trình biểu diễn đặc biệt, phù hợp với không khí ngày hội. 
 
Múa rối nước loại hình nghệ thuật độc đáo những ngày đầu xuân

Ông Nguyễn Văn Trách - Phó phường rối Đào Thục, kế toán trưởng đồng thời là người phụ trách chính của dàn nhạc đã gắn bó với nghề từ năm 1984,  bác đã có những trải nghiệm quý báu để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống múa rối nước:

“Đào Thục có đặc trưng đầu tiên mà phải tự hào đó là một trong những phường cổ nhất của Việt Nam,chú tễu ngày nay đó là anh ba khí của phường, cái thứ hai nữa là có rất nhiều trò mà các phường khác không học và không có được, cho nên thường thì biểu diễn rối nước toàn quốc, trong 14 phường múa rối nước ở Đồng Bắc Bắc Bộ này thì hầu như phường Đào Thục đạt được huy chương vàng nhiều nhất. Nói chung lãnh đạo Phường có hướng là liên tục trau dồi về nghệ thuật, đào tạo lớp trẻ nối nghiệp, nâng thêm đời sống của anh em lên, phải làm sao cho kĩ thuật của mình cao hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Trách cho biết.

Biểu diễn múa rối nước không chỉ là hoạt động văn hóa có tính chất giải trí, mà nó còn có ý nghĩa thiết thực trong việc làm sống dậy tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, đồng thời góp phần bảo tồn, quảng bá hình ảnh rối nước đến với bạn bè thế giới.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang