Mỹ có vì đồng minh gây chiến với Trung Quốc trên Biển Đông?

author 06:37 27/11/2014

(VietQ.vn) - Liệu Mỹ có vì đồng minh mà gây chiến với Trung Quốc trên Biển Đông sau khi Bắc Kinh lớn lối chê Washington vô trách nhiệm ở Biển Đông dù chính ‘ông lớn châu Á’ mới đang vi phạm luật pháp quốc tế.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc chê Mỹ hành xử ‘ích kỷ’ ở Biển Đông

Những tin tức mới đây trên báo chí cho hay, hồi cuối tuần qua, người phát ngôn của quân đội Mỹ, Trung Tá Jeffrey Pool, đã kêu gọi Trung Quốc dừng ngay dự án lấp biển, xây đảo nhân tạo đủ lớn để có thể xây một đường băng tại khu vực đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Biển Đông Việt Nam.

Theo đó, người phát ngôn của Lầu Năm Góc đãhối thúc Bắc Kinh “ngưng chương trình lấp biển lấy đất và tham gia các nỗ lực ngoại giao để khuyến khích tất cả mọi bên tự kiềm chế, đừng xúc tiến các hoạt động tương tự” khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.

Tàu Trung Quốc lởn vởn quanh giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông Việt Nam hồi tháng 6/2014

Tàu Trung Quốc lởn vởn quanh giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông Việt Nam hồi tháng 6/2014. Ảnh Báo Đất Việt

Tuy nhiên ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh gọi những phát biểu của Mỹ là vô trách nhiệm khi nói: “Tôi tin rằng không có bất cứ ai bên ngoài có quyền đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm về những hoạt động có liên quan tới Trung Quốc”. Ngoài ra, bà Hoa còn giảo hoạt tuyên bố hoạt động của Trung Quốc là nhằm “cải thiện các điều kiện sống của những người Trung Quốc trú trên đảo và để hoàn thành tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc về mặt tìm kiếm, ứng cứu trên biển, cũng như để cung cấp các dịch vụ công”.

Thêm vào đó, tờ "Thời báo Hoàn cầu" (Trung Quốc) còn dẫn lời Tướng “diều hâu” Trung Quốc La Viện biện hộ cho dự án xây đảo nhân tạo trên Đá Chữ Thập. Ông này tố Mỹ thiên vị, bởi vì một số nước khác cũng có hoạt động tương tự. Đồng thời, báo Trung Quốc tỏ ý chê bai Mỹ hành xử rất “ích kỷ” trong khu vực, đồng thời thách thức Mỹ nói riêng và dư luận nói chung khi khẳng định dự án xây dựng trên Đá Chữ Thập sẽ không ảnh hưởng và sẽ trở thành đảo lớn để chứng minh khả năng của Trung Quốc!

Trung Quốc có thể mở rộng bãi đá ở Trường Sa tới 30km2

Liên quan tới động thái lấp biển, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, những hình ảnh vệ tinh do hãng chuyên nghiên cứu quốc phòng Anh IHS Jane’s chụp đá Chữ Thập từ ngày 8/8 đến 14/11 cho thấy Trung Quốc đã bồi lấp bãi đá này thành nơi có thể xây dựng sân bay dài khoảng 3 km, rộng 200-300m.

Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động của Trung Quốc cải tạo Đá Chữ Thập thuộc Biển Đông Việt Nam

Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động của Trung Quốc cải tạo Đá Chữ Thập thuộc Biển Đông Việt Nam. Ảnh ISH Jane’s

Sân bay này đủ khả năng cho máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay vận tải quân sự Y-20 cất hạ cánh. Trung Quốc còn xây dựng một cảng mới đủ sức chứa tàu tiếp vận. Các chuyên gia quân sự nhận định, Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu xây dựng một căn cứ chiến lược tại đá Chữ Thập. 

Cũng theo lời giới quan sát quốc tế, việc xây dựng một căn cứ chiến lược tại Chữ Thập có thể làm đảo lộn thế cân bằng quyền lực tại khu vực tranh chấp ở biển Đông theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Đặc biệt, đá Chữ Thập chỉ nằm cách cảng Cam Ranh của Việt Nam 460 km. Nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cải tạo, có thể mở rộng diện tích đá Chữ Thập rộng tới 30 km2.

Mỹ có vì đồng minh mà gây chiến với Trung Quốc trên Biển Đông?

Theo một số nguồn tin, trong chiến lược bành trướng biển xa, từ năm 2015 - 2020, Trung Quốc sẽ xây dựng được một lực lượng chấp pháp biển khổng lồ cùng lực lượng không - hải quân hùng mạnh bậc nhất thế giới. Đây sẽ là giai đoạn quyết định để Bắc Kinh độc chiếm vùng trời/vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong thời gian tới, lực lượng quân sự Mỹ sẽ ồ ạt đổ về châu Á - Thái Bình Dương, còn lực lượng tác chiến không - hải của Trung Quốc cũng mở rộng phạm vi hoạt động. Đồng thời, Washington sẽ tiếp tục cho các phương tiện trinh sát, do thám hoạt động của quân đội Trung Quốc và PLA cũng sẽ không ngần ngại hành xử cứng rắn.

Bản đồ các đảo bị Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông

Bản đồ các đảo bị Trung Quốc chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh Báo Đất Việt

Rõ ràng là, quyền lợi của đồng minh, sự cạnh tranh về vị thế lãnh đạo và cái “tôi” của những ông lớn sẽ khiến những va chạm trên không, trên biển ngày càng nhiều. Nếu tình hình cứ tiếp diễn như thời gian qua, những va chạm thường xuyên sẽ rất dễ phát sinh các xung đột không đáng có.

Tuy nhiên, cần khẳng định là Bắc Kinh sẽ không nhân nhượng Washington và Mỹ cũng không muốn đối đầu quân sự với Trung Quốc. Vì vậy, trong tình huống này, Mỹ sẽ chọn cách cư xử nhún nhường. Đây sẽ là bài toán khó đối với lực lượng quân đội của họ đang đồn trú ở châu Á - Thái Bình Dương.

Khi đó, thách thức lớn nhất mà cường quốc số 1 thế giới phải giải quyết là làm thế nào để thực hiện đúng cam kết bảo vệ an ninh cho các đồng minh của mình mà vẫn không làm tổn hại đến quan hệ Mỹ - Trung, khi nhúng tay can dự vào các vấn đề tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. 

Tuy nhiên, có thể khẳng định là Washington sẽ không vì đồng minh mà chủ động gây chiến với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền, trừ khi Trung Quốc chủ động tấn công Mỹ. Vì vậy, các nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải phải chủ động dựa vào khả năng của mình để đối phó với Trung Quốc.

Minh Thùy (tổng hợp từ Báo Đất Việt, Tiền Phong)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang