Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá ống đồng của Việt Nam

author 06:19 06/02/2021

(VietQ.vn) - Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng xuất xứ từ Việt Nam.

Thông tin công bố mới đây từ Bộ Công thương cho biết, ngày 1/2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng (Seamless Refined Copper Pipe and Tube - mã HS: 7411.10.1030; 7411.10.1090; 7407.10.1500; 7419.99.5050, 8415.90.8065; 8415.90.8085) có xuất xứ từ Việt Nam.

Cụ thể, theo kết luận sơ bộ, DOC cho rằng ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá tại Mỹ với biên độ 8,05%. Biên độ này thấp hơn nhiều so với cáo buộc ban đầu của nguyên đơn (110%) và thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp dụng với mặt hàng ống đồng của Trung Quốc (mức thuế cao nhất là 60%). 

Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ống đồng của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 151,1 triệu USD và 183,9 triệu USD, tương ứng 20,4 nghìn tấn và 24,9 nghìn tấn.

Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá 8,05% ống đồng của Việt Nam. Ảnh minh họa. 

Căn cứ kết luận nêu trên, Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ với thuế suất tương ứng là 8,05%. DOC cũng cho biết, do bối cảnh dịch Covid-19, DOC sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ. Thay vào đó, DOC sẽ thẩm tra các thông tin làm căn cứ ra quyết định cuối cùng dựa trên các phương thức thay thế khác. DOC sẽ thông báo thời hạn để các bên liên quan có thể nộp ý kiến bình luận bằng văn bản. Đồng thời các bên liên quan cũng có thể yêu cầu tổ chức phiên điều trần bằng cách gửi yêu cầu bằng văn bản tới DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ.

Trước đó, ngày 22/7/2020, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã xác nhận DOC chính thức điều tra chống bán phá giá với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Việt Nam, với biên độ phá giá cáo buộc lên đến 111,82%. Giai đoạn điều tra được tính từ 1/10/2019 đến 31/3/2020.

Thời gian gần đây, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tục phải hứng chịu các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Có thể thấy một trong những lý do chính của việc hàng hóa Việt Nam là đối tượng của nhiều vụ việc về phòng vệ thương mại trong thời gian qua là việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu của mình, với hàng hóa có giá rẻ nhờ vào những điều kiện thuận lợi ở trong nước.

Để có thể ứng phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên chú trọng một số vấn đề như: nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại; thay đổi phương châm thực hiện các hoạt động kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tính trung thực và sự hợp tác; phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước khi kháng kiện…

Việt Nam xem xét điều tra chống bán phá giá vật liệu hàn từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia(VietQ.vn) - Việt Nam dự kiến yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số chủng loại vật liệu hàn có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang