Ngành công thương Hà Nội triển khai các giải pháp ứng phó tác động của dịch Covid-19

author 12:35 06/03/2020

(VietQ.vn) - Ngành công thương Hà Nội triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của ngành và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội chung của Thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp.

Đây là khẳng định của Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng tại buổi họp bàn các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành công thương Hà Nội trong bối cảnh Covid-19 ngày 5/3/2020.

Ngành công thương bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19

Trong 2 tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng lớn. Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh như: giày, dép giảm 5,5%; sản phẩm bằng Plasstic giảm 12,5%. Kim ngạch xuất khẩu giảm 19% (cùng kỳ tăng 15,5%). Khách du lịch giảm mạnh: khách Trung Quốc giảm 93,5%; Hàn Quốc giảm 51,4%; Singapo giảm 42,4%; Khách du lịch nội địa giảm 27...

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19

Ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sản xuất công nghiệp của Hà Nội chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp trong nước và FDI trong một số ngành như sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc, điện tử,… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phụ thuộc lớn vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ có nguồn nguyên vật liệu dự trữ đủ phục vụ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020. Nếu quý I/2020 dịch bệnh được khống chế thì các công ty, nhà máy tại Trung Quốc hiện đang ngưng trệ do dịch bệnh phải mất một thời gian mới phục hồi sản xuất.

Cụ thể, với ngành da giày, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Với ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước. Một số công ty lớn trong ngành có hoạt động xuất nhập từ Trung Quốc lớn như: Công ty TNHH Canon Việt Nam; Công ty TNHH Meiko Việt Nam; Công ty TNHH Panasonic Industrial...

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng nhập một phần phụ tùng từ Trung Quốc. Cùng với việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp FDI Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp FDI.

Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường sử dụng lượng lớn lao động quản lý, chuyên gia của mình. Việc hạn chế xuất nhập cảnh hiện nay dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động của các nhà máy, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động xuất, nhập khẩu- ông Đàm Tiến Thắng cho hay.

Còn với hoạt động thương mại dịch vụ, theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, tâm lý phòng chống dịch bệnh Covid-19, e ngại thiếu lương thực, thực phẩm và dụng cụ thiết yếu nên sức mua tại các siêu thị như Big C, Vinmart tăng vọt. Tuy nhiên, các nhóm hàng hóa khác hầu như không tăng, thậm chí đối với các mặt hàng hóa mỹ phẩm và hàng tiêu dùng doanh thu sụt giảm. Tại các chợ, lượng hàng hóa kinh doanh giảm 50 -70%. Do lo ngại dịch bệnh Covid-19, người dân có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là 6 ngành: dệt may; da giày; ngành sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải; nông sản; nhóm sản xuất gỗ và nguyên liệu gỗ; nhóm các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Dự báo doanh thu các mặt hàng này sẽ giảm khá mạnh.

Triển khai quyết liệt các giải pháp ứng phó

Trên cơ sở 3 kịch bản tăng trưởng của Thành phố, ngành Công Thương Hà Nội xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết năm 2020.

Với kịch bản 1, dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn trong quý I, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV bứt tốc để cả năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Theo đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 tăng 8,59, kim ngạch xuất khẩu tăng 8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,1%.    

Kịch bản 2, quý I kiểm soát được dịch nhưng vẫn ảnh hưởng sang các quý sau, tăng trưởng không thể bứt tốc và cả năm đạt thấp hơn kế hoạch. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 tăng 8,05%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,1%.

Kịch bản 3, dịch bệnh kéo dài đến quý II và còn ảnh hưởng sang các quý tiếp theo, năm 2020 tăng trưởng thấp, không đạt kế hoạch. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 tăng 7,19%. Kim ngạch xuất khẩu cả năm bằng với năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,4%.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, để hoàn thành thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020 và kế hoạch năm 2020, ngành Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Với hoạt động sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương sẽ rà soát, đánh giá năng lực, khả năng cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước đối với các vật tư phòng dịch như: khẩu trang, nước khử trùng, sát khuẩn, quần áo phòng dịch... Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất về thủ tục đánh giá sự phù hợp để kịp thời đưa các sản phẩm đảm bảo chất lượng vào phục vụ hoạt động phòng, chống dịch; Thúc đẩy hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất vải kháng khuẩn.

Với hoạt động thương mại, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đảm bảo các hệ thống phân phối lớn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tăng cao của người dân trong mùa dịch.

Phối hợp chặt chẽ với Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu (như thị trường Châu Phi), giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc- ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.

Đại diện cho các doanh nghiệp Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, cần cải cách thủ tục hành chính, hải quan cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đẩy mạnh đầu tư các cụm công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ và du lịch về giảm thuế VAT. Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay…

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang