Nghề y thu nhập cao, nhanh giàu?

author 16:04 05/02/2014

Trong lịch sử của nhân loại, chưa ai trở thành tỷ phú nhờ việc mở bệnh viện. Có người cho rằng, tỷ phú nào cũng có bệnh viện, nhưng họ đã nhầm vì tỷ phú ấy có bệnh viện là khi họ đã thành tỷ phú rồi. Khi đó, họ muốn thể hiện tấm lòng nhân đạo của người ta rồi mới mở bệnh viện, chứ không phải họ trở thành tỷ phú nhờ việc mở bệnh viện.

Từ ngàn xưa, nghề y vẫn được coi là một nghề cao cả đi cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, sau một loạt sự vụ của ngành y tế xảy ra như năm vừa qua,đã có không ít những ý kiến trái chiều nhau bình luận về ngành y.

Để có cái nhìn thấu đáo và khách quan, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam xung quanh những vấn đề “nóng” trong ngành y tế.

 

Điều hòa thu nhập là biện pháp để “giữ chân” các bác sỹ vùng sâu vùng xa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Điều hòa thu nhập là biện pháp để “giữ chân” các bác sỹ vùng sâu vùng xa. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

 

Thu nhập cao, nhanh giàu

- Thưa ông, hiện nay, có không ít phụ huynh cho rằng cho con vào nghề y vì thu nhập cao, nhanh giàu. Ông bình luận gì về ý kiến trên?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Trước hết tôi phải nhấn mạnh rằng nghề y xuất phát từ mục đích hết sức cao đẹp là cứu chữa người bệnh. Những người hành nghề đầu tiên về y tế trong nhân loại làm hai nghề cùng lúc: trước hết họ đi truyền đạo, thứ hai là người ta thấy những người bệnh tình đau khổ về mặt thể xác nên chữa bệnh cho họ. Đó là điều tôi nghĩ cần phải nhấn mạnh lại với anh em làm nghề thầy thuốc.

Theo tôi, học ngành y không thể làm giàu. Trong lịch sử của nhân loại, chưa ai trở thành tỷ phú nhờ việc mở bệnh viện. Có người cho rằng, tỷ phú nào cũng có bệnh viện, nhưng họ đã nhầm vì tỷ phú ấy có bệnh viện là khi họ đã thành tỷ phú rồi. Khi đó, họ muốn thể hiện tấm lòng nhân đạo của người ta rồi mới mở bệnh viện, chứ không phải họ trở thành tỷ phú nhờ việc mở bệnh viện.

Tôi xin khẳng định, vị phụ huynh nào muốn cho con em giàu thì không nên cho con em học ngành y.

- Có người cho rằng, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, dường như đa phần người thầy thuốc không còn giữ được những lý tưởng cao đẹp của việc cứu chữa người bệnh. Xin giáo sư cho biết ý kiến về vấn đề này?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Đúng là trong cơ chế thị trường hiện nay thì bên cạnh động cơ vì người bệnh, vì khoa học thì người thầy thuốc phải kiếm sống. 

Ngày xưa thầy thuốc không phải nghĩ đến chuyện kiếm sống, cả xã hội lo cho họ. Lúc bấy giờ nhu cầu cuộc sống nó không đòi hỏi như bây giờ. Sự chăm sóc của xã hội lúc đó đáp ứng đủ cho thầy thuốc để tự trang trải, giờ nó không đủ. Vì vậy, người thầy thuốc phải lo tới chuyện kiếm sống.


Vì vậy, trong cơ chế thị trường hiện nay, bên cạnh hai động cơ về mặt cứu chữa người bệnh và động cơ về mặt khoa học thì xuất hiện động cơ thứ ba là người thầy thuốc phải kiếm sống. 

Nhưng trong hoàn cảnh kiếm sống ấy người thầy thuốc phải đặt ra một mối quan hệ giữa cái kiếm sống ấy với vấn đề tính mạng của người bệnh thì đặt cái thứ tự ưu tiên như thế nào. Người thầy thuốc phải xác định rõ mối quan hệ này, không thể không nói tới lợi ích nhưng phải đặt trong mối quan hệ của nó như thế nào. Đó là cái điều quan trọng.

Nếu chúng ta chỉ nói về y đức, về việc cười nói, đối xử với bệnh nhân mà không đặt mối quan hệ giữa vấn đề đạo đức y tế, đặt vấn đề tính mạng của người bệnh lên trên hết, trên cả quyền lợi của người thầy thuốc thì chúng ta khó thuyết phục được.

Tránh viện cớ bao cấp để trì trệ

- Sau một loạt những sự vụ của ngành y tế trong năm qua. Dư luận đều cho rằng tình hình y đức trong ngành y hiện nay đang đi xuống một cách nghiêm trọng. Là người gắn bó và theo dõi với ngành y đã nhiều năm nay, xin giáo sư có thể bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Đúng là trong thời buổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng y đức của chúng ta có chiều hướng giảm sút và có những vụ việc hết sức quan trọng nảy sinh đã làm dư luận của xã hội không tán thành. 

Chẳng hạn như vụ Cát Tường trong thời gian vừa qua. Đứng trước việc này chúng ta phải thừa nhận có một bộ phận, tôi cho là không thể nhỏ đội ngũ thầy thuốc chưa hiểu hết mục đích hành nghề của mình và cũng chưa thể giải quyết tốt mối quan hệ giữa tính mạng của người bệnh và lợi ích của bản thân mình. 

Chính vì họ đặt lợi ích của bản thân mình lên cao, trên hết cả tính mạng của người bệnh, coi thường tính mạng của người bệnh nên vi phạm vào những sai lầm như thế. Họ bị đồng tiền lôi kéo, cuốn hút và đặt cái lợi ích, tính mạng của người bệnh thấp hơn cái lợi ích của bản thân người thầy thuốc. Đó là điều mà chúng ta cần phải quan tâm hiện nay. 

- Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội. Theo giáo sư ngành y cần có biện pháp để khắc phục như thế nào?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Trong hoàn cảnh hiện nay, theo tôi hạn chế lớn nhất trong toàn ngành hiện nay là đi vào sự vụ quá nhiều. Đó là yếu tố khách quan ta tạo ra. Theo tôi, đã đến lúc ngành y tế trấn tĩnh, bình tĩnh ngồi nghĩ đến phương hướng tổng thể mang tính hệ thống hơn. 

Chẳng hạn, như tôi nói, khía cạnh thị trường nào ngành y tế nên phát huy, mà khía cạnh thị trường nào ngành y tế phải hạn chế, nguyên tắc chủ nghĩa xã hội nào ngành y tế cần đề cao. Nhưng cái gì viện cớ vào bao cấp mà trì trệ thì chúng ta cần phải tránh. 
|
Theo tôi ngành y tế cần đổi mới nội dung về giáo dục y đức hiện nay. Vấn đề thứ hai là tổ chức việc giáo dục y đức tốt và thường xuyên hơn. Nó phải trở thành cuộc sinh hoạt thường xuyên.

Ví dụ như vụ Cát Tường vừa qua, đây là một điều đau xót đáng lên án. Chúng ta nên tổ chức một buổi cho các đơn vị y tế thảo luận những điều gì rút ra từ vụ Cát Tường. Nếu các nhân viên ngành y tế tự thảo luận về vấn đề này, tôi tin chắc mỗi người sẽ tự giác ngộ và hiểu vấn đề sâu sắc.

Rồi vấn đề thứ ba là cũng phải đề xuất môi trường giáo dục. Những bệnh viện trường học và những bệnh viện thực hành được thiết lập và trong những bệnh viện đó phải có tiêu chuẩn về vấn đề đạo đức.

Tôi nghĩ Bộ Y tế cần tập trung giải quyết ba vấn đề đó, còn các vấn đề khác thì xã hội phải quan tâm. Chẳng hạn như vấn đề lợi ích của người thầy thuốc, ở đây không chỉ Bộ Y tế giải quyết mà cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

"Đừng phủ nhận thành tựu toàn ngành”


 - Giáo sư có thể phân tích rõ hơn vấn đề lợi ích của thầy thuốc mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Chẳng hạn phải phân biệt giữa lương và thu nhập. Về lương, tôi xin nói lương của ngành y tế thấp so với vấn đề đào tạo, thấp so với sự cống hiến của họ.

Người ta vẫn nói lương của người thầy thuốc đứng thứ 17 trong tổng số 18 ngành nghề, nhưng thu nhập của người thầy thuốc hiện nay ở một bộ phận thành phố thì không phải là thấp, điều này hình như chúng ta vẫn cứ cố tình không phân tích, và vì vậy nó đổ xô anh em cán bộ vào thành phố và đổ xô vào các việc, ngành nghề những chuyên ngành để thu nhập cao. 

Ở đây, chúng ta phải phân biệt rõ chữ lương và thu nhập, vậy điều hòa thu nhập, đây không phải là việc riêng của Bộ Y tế. Điều hòa thu nhập là việc chung của nhà nước và nhà nước phải tính đến vấn đề chính sách để điều hòa thu nhập của người thầy thuốc. Nếu không thực hiện chính sách này, tôi xin nói sẽ có nhiều điều nguy hiểm.

Thứ nhất là nó tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong ngành y tế. Tôi đặt câu hỏi, ai sẽ tiếp tục công tác ở miền núi, ai sẽ tiếp tục công tác ở vùng sâu vùng xa khi người ta có thu nhập thấp?

Điều thứ hai là một bộ phận cán bộ theo đuổi theo thu nhập này và người ta sẽ làm giàu trên thể xác của người bệnh thì sẽ không ai khác, chính bộ phận này sẽ trở thành lực cản trong những cải cách về y tế trong tương lai. Bởi vì người ta đã làm giàu một cách tự do mà không có sự điều hòa. Vì vậy, vai trò của nhà nước trong vấn đề này rất quan trọng.

- Chưa năm nào ngành y tế xảy ra quá nhiều sự việc như năm nay ? Giáo có thể nói một câu gì đánh giá về bức tranh của ngành y trong năm 2013 này?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng: Tôi chưa đồng ý với ý kiến cho rằng năm 2013 là năm nhiều sự kiện nhất của ngành y tế. Bởi ngành y tế có nhiều sự việc nhưng chưa phát hiện được hoặc là chưa kịp thời. Vấn đề nổi cộm ở đây là năm qua chúng ta phát hiện nhiều sự việc liên tục.

Tôi cũng phải lưu ý tới việc tránh tình trạng cứ một sự việc xảy ra phê phán ngành y tế, đôi lúc làm cho cán bộ của ngành y tế cảm thấy thiếu hứng khởi.

Theo tôi, chúng ta phải phân tích một cách khách quan sau mỗi sự việc để mọi người hiểu được sâu sắc vấn đề, kể cả vấn đề cơ sở hạ tầng, đầu tư, giáo dục ảnh hưởng tới các sự việc xảy ra, chứ không thể cứ để như vừa rồi đổ hết khuyết điểm của ngành y tế.

Chúng ta phê phán những cũng phải đánh giá khách quan, chứ đừng vì một vài sự việc vừa rồi mà phủ nhận toàn bộ thành tựu của ngành y tế Việt Nam, phủ nhận tất cả những thành tựu. Tôi cho rằng cái nhìn khách quan và đầy đủ nó sẽ động viên cán bộ ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang