Nghèo!

author 06:30 08/10/2012

(VietQ.vn) – Khi bố mẹ già cả nghèo nàn, liệu con cái học 4 – 5 năm đại học có làm ra tiền để thoát nghèo?

Cụ già 83 tuổi chăn bò

Truyền hình cuối tuần qua đưa hình ảnh bà Vũ Thị Tâm, 83 tuổi, xã Hoàng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn phải chăn bò, làm ruộng để kiếm sống. Bà và con dâu cũng có tuổi phải nuôi con trai và đứa cháu học đang học cao đẳng.

“Thu nhập cả nhà chỉ đủ nuôi đứa cháu học cao đẳng” – câu nói đó khiến nhiều người không khỏi xót xa và giật mình.

Trước đó, báo chí dầm dộ đưa tin một Thủ khoa trường Dược được tuyển thẳng vào một trường được bao cấp. Nhiều người vội vã tung hô, coi như đó là việc làm sẽ đưa gia đình này thoát nghèo.

Ít ai biết, phải 7 năm nữa, khi em đó ra trường, người mẹ mới được nhận một phần lương của em (trừ tiền sinh hoạt, ăn uống của em này). Hy vọng trong 7 năm đó, người mẹ già sống bằng nghề nông và đan lát sẽ được nhiều người giúp đỡ để không phải tần tảo, một mình vất vả…

Cũng vậy, phải ít nhất 3 năm nữa, đứa cháu nội của và Vũ Thị Tâm nọ mới ra trường, có cơ hội kiếm việc làm, đỡ đần gia đình. Nếu “chẳng may” em này học giỏi, muốn học liên thông sẽ mất hơn 1 năm, muốn học cao học phải mất 2 năm…

Lúc đó người bà liệu còn sống để nhận được tiền lương của đứa cháu “học giỏi”?

Đi học có phải con đường duy nhất thoát nghèo?

Trên nhiều vùng quê hiện nay đã và đang mọc lên những ngôi nhà cao tầng, đẹp đẽ. Nhưng công sức để làm nhiều ngôi nhà lại là từ những người con của vùng quê, lên thành phố thu mua sắt vụn (mở bãi), bán phở gia truyền, làm thầu xây dựng, bán xúc xích cổng trường…

Ngược lại, nhiều ông bố bà mẹ ở quê vẫn phải gửi tiền cho những đứa con tốt nghiệp đại học, đã ra trường.

Nhiều đứa con tốt nghiệp ĐH vẫn phải nhận tiền cứu trợ của bố mẹ ở quê. Ảnh: internet
Nhiều đứa con tốt nghiệp ĐH vẫn phải nhận tiền cứu trợ của bố mẹ ở quê nghèo
 

Kinh tế khó khăn, sự bão hòa các cử nhân, kỹ sư…khi mà nhan nhản các đại học, cao đẳng mọc lên, khiến hồ sơ xin việc trong các cơ quan cứ chất thành đống mà số lượng tuyển chọn mỗi năm một thưa thớt.

Ngay trong lĩnh vực báo chí, khi quảng cáo suy giảm, nhiều cử nhân báo chí phải khó khăn lắm mới được các tòa soạn tuyển dụng, có được mức lương đủ sống ở trốn thị thành đắt đỏ.

Vậy tại sao những đứa con gia đình nghèo, vốn có ý chí vươn lên, không thử sức mình bằng những con đường không phải qua học tập trong trường lớp chính quy?

Lên các tỉnh biên giới lấy hàng buôn về đồng bằng, học nghề sửa chữa để đi làm thuê ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, đi làm công nhân trong các nhà máy…, làm mọi nghề ra tiền, miễn là đúng pháp luật. Việc học có thể liên thông hoặc học tại chức ban đêm.

Đúng là sự thiếu chính quy có thể khiến người ta khó vào các cơ quan nhà nước. Nhưng nó là cơ hội để các bạn trẻ lập nghiệp trong sân chơi tư nhân rộng lớn hơn, vốn rất vất vả nhưng luôn đầy ắp phần thưởng ngọt ngào cho những người dám hy sinh và dấn thân.

Biết bao giám đốc, chủ chuỗi cửa hàng, nhà sáng chế…không có bằng đại học, không qua các trường lớp chính quy, đang thuê những người học đại học giúp việc cho mình.

Đương nhiên, sẽ rất khó để thay đổi cách nghĩ “học là cách duy nhất để thoát nghèo” của nhiều gia đình. Nên người ta cứ mãi thán phục các triệu phú trẻ tuổi “bên tây”, mà mặc cảm rằng người Việt Nam không thể làm được.

Người ta cũng đã quen với các bài báo: con nhà nghèo, bố mẹ lam lũ nuôi con học đại học. Chỉ có điều, ai sẽ thương những bà cụ như bà Vũ Thị Tâm, như người mẹ nọ, như 1,5 triệu người cận nghèo…phải đợi đến bao lâu mới không còn phải cực nhọc, gian lao khi tuổi tác đã xế chiều…?

Đại Nghĩa – Chí Nhân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang