Ngỡ ngàng trước uy lực của tên lửa Ấn Độ cứ 'bắn là trúng'

author 06:11 10/11/2017

(VietQ.vn) - Tên lửa này có thể tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa 1.000km bằng đầu đạn nặng 300kg. Nó có khả năng chống nhiễu rất mạnh, sau khi bắn không cần điều khiển mà tự động bay đến mục tiêu

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Ấn Độ vừa tiến hành thử nghiệm lần thứ 5 tên lửa hành trình tầm thấp Nirbahy vào hôm 5/11. Sau 4 lần thử nghiệm thất bại trước, cuộc thử nghiệm mới nhất này đã thành công.

Tên lửa được phóng từ bãi thử nghiệm ở vùng Chandipur, bên bờ biển phía đông của Ấn Độ. Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết, các hệ thống đã làm việc hoàn toàn tuyệt vời, tên lửa đi theo đúng đường bay được định sẵn và tấn công trúng mục tiêu.

Tên lửa hành trình tầm thấp Nirbahy

Tên lửa Nirbhay được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu ở khoảng cách xa 1.000km bằng đầu đạn nặng 300kg. Nó được trang bị động cơ phản lực cánh quạt (turbofan) hoặc động cơ phản lực phân luồng (turbojet), đồng thời dẫn đường bằng hệ thống định vị quán tính phát triển nội địa bởi DRDO.

Nirbhay là loại tên lửa hành trình tốc độ cận âm, áp dụng mô hình sau khi bay lên theo chế độ phóng tên lửa, nó khởi động chế độ bay kiểu máy bay, khác hẳn so với các loại tên lửa đạn đạo như Agni vì được thiết kế cánh thân tên lửa và cánh đuôi. Sau khi tên lửa phóng đi, tầng động cơ đẩy tách ra, rơi xuống, các cánh của tên lửa bắt đầu hoạt động. Lúc đó, một động cơ Turbin khí bắt đầu hoạt động, hoàn toàn áp dụng chế độ máy bay, khiến nó có tính năng cơ động cao.

Tên lửa được tích hợp hệ thống kiểm soát kiểu bắn - quên, có khả năng chống nhiễu rất mạnh, sau khi bắn tên lửa không cần điều khiển nữa mà có khả năng tự động bay đến mục tiêu. Nó có tầm bay thấp khoảng 10m, có thể men theo các rặng cây, làm giảm khả năng phát hiện của radar.

Loại tên lửa này có thể được lắp đặt trên nhiều phương tiện phóng với nhiều tầm bắn khác nhau, có khả năng bắn đồng loạt, thậm chí phóng ngay cả trong khi đang cơ động. Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa có thể ngoặt, xoay tròn, đổi hướng tấn công mục tiêu từ mọi góc độ. Với khả năng tấn công đối đất và tấn công tàu chiến cỡ lớn trên biển tầm xa, khi lắp đặt đầu đạn hạt nhân (có khả năng mang 24 loại đầu đạn hạt nhân khác nhau) thì loại tên lửa này sẽ trở thành một thành viên trong bộ 3 tấn công hạt nhân “tam vị nhất thể” của Ấn Độ.

Ấn Độ bắt đầu phát triển dự án tên lửa Nirbhay từ năm 2010 với kế hoạch hoàn thành trong 3 năm, nhưng cuộc thử nghiệm thứ 5 vừa qua mới là lần đầu tiên tên lửa phóng thành công. Theo chuyên gia về công nghệ tên lửa ở Học viện phân tích An ninh và Quốc phòng, Rajiv Nayan, 4 lần thất bại ban đầu không nên bị coi là quá đáng lo ngại do các nhà khoa học của Ấn Độ phát triển tên lửa Nirbhay từ đầu và thất bại là một phần của quá trình nghiên cứu.

Trong tương lai, nước này sẽ có thể nhập khẩu được nhiều hệ thống hoặc công nghệ tên lửa từ nước ngoài do vừa kí Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR) vào hồi tháng 6.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang