Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 4)

author 11:40 29/06/2012

(VietQ.vn) - Không chỉ đối mặt với nạn mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng (NTD) đang từng ngày đối mặt với nạn "cân điêu". Thực tế cho thấy khi bị "móc túi", NTD lại không biết kêu ai!

Bài 4: "Móc túi" người tiêu dùng nghìn tỷ mỗi tháng

Ở 3 bài trước, Chất Lượng Việt Nam đã chỉ ra rất rõ những nguyên nhân, vướng mắc khiến NTD lẫn doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong quá trình xử lý khiếu tố. Sự tham gia chưa rốt ráo của các cơ quan liên quan cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến NTD còn "ấm ức" khi mua hàng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người tiêu dùng bị "móc túi". 

Muốn mua rẻ phải chịu cân… điêu

Khảo sát các chợ trên địa bàn Hà Nội có thể thấy hầu như chỗ nào cũng có nạn cân điêu. Với những thực phẩm mua thường xuyên như thịt gà, thịt bò, thịt lợn... người ta chỉnh sai lệch đi vài hoa, còn những hàng hoa quả, hải sản thì vài lạng. Trong khi đó, người tiêu dùng hoàn toàn không biết cách nào “chống đỡ” với thói quen gian lận này, hoặc có biết cũng ngậm bồ hòn làm ngọt. 
 
Nạn cân điêu đang hoành hành ở các chợ buôn bán
Nạn cân điêu đang hoành hành ở các chợ
 
Chị Nguyễn Thương (Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Giá thực phẩm cứ tăng vùn vụt mỗi ngày mà lại chịu thêm cảnh cân điêu. Tính ra mỗi hôm đi chợ cũng mất đến vài chục nghìn. Nhất là các món thịt lợn, thịt bò; đắt đỏ thế này chỉ cần ăn gian lạng cũng lời được mười mấy nghìn đồng rồi. Nhiều khi biết là cân điêu mà vẫn nhắm mắt cho qua. Bởi có quay lại nói với người bán hàng, không có bằng chứng thì tha hồ ăn chửi”.
 
Ngay tại khu chợ, nạn cân điêu còn diễn ra ngang nhiên như thế thì tại các quầy bán hoa quả, thực phẩm “lưu động", hàng hoá có giá rẻ hơn hẳn và người mua tha hồ mặc cả, thì chuyện cân thiếu là việc quá bình thường vì “không cân thiếu, lại bán rẻ lấy đâu có lãi”, một chủ cửa hàng bán hoa quả  trên đường Láng cho biết. 

Theo một chuyên gia kinh tế, mỗi kg bị ăn bớt 100 gr, làm phép tính đơn giản sẽ thấy, trung bình mỗi tháng, người dân tại Hà Nội và TP HCM bị móc túi 69 - 77,5 tỷ đồng khi mua rau củ (tính trung bình 5.000 đồng một kg), xấp xỉ 300 tỷ đồng khi mua trái cây (với giá trung bình 20.000 đồng một kg), 60 – 70 tỷ đồng khi mua thực phẩm các loại...

Nếu tính trong cả nước, mỗi tháng, người tiêu dùng bị móc túi khoảng 1.000 tỷ đồng (mỗi năm 12.000 tỷ đồng). Như vậy, chỉ tính riêng ba mặt hàng rau củ, trái cây và thực phẩm, bình quân mỗi ngày người tiêu dùng trong cả nước bị “móc túi” hơn 30 tỷ đồng vì cân điêu. (Nguồn DVO)

 
Cũng là nạn nhân của “nghệ thuật cân điêu”, chị Minh Hương (Nguyễn Trãi, Hà Nội) bức xức kể, nhà gần chợ Ngã Tư Sở nên chị  thường mua thực phẩm, rau củ quả. Có hôm tìm được hàng bán xoài Thái chỉ 30.000 đồng/kg, rẻ hơn hẳn các hàng khác trong chợ, chị mua liền 2 kg, đến hàng bán dưa, nhờ cân lại chỉ còn 1,7 kg. Quay lại “mắng vốn” người bán, chị nhận được lời giải thích “muốn cân đủ thì đúng 40.000 đồng/kg nhé, còn muốn mua rẻ thì chỉ có cân thiếu thôi”. 
 
Theo “cái lí cân điêu” của người bán hàng thì thực phẩm hầu như đều có giá chung mà người mua lại cứ thích trả giá, mua được rẻ nhất. Thế nên mới có chuyện cửa hàng nào bán “phá giá”, có giá rẻ hơn các cửa hàng khác, đều phải “cân điêu” mới có lãi. Người mua cứ tưởng vớ được giá hời, thành ra lại đắt. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “nghệ thuật cân điêu” ở những khu bán hàng trong chợ chủ yếu nằm ở chiếc cân. Hầu như loại cân nào người ta cũng dùng “thủ thuật” để “vênh” lên từ vài hoa đến vài lạng. Với những chiếc cân bàn khoảng 30kg, chuyên dùng ở các hàng bán hoa quả, người bán luôn để cân bằng ở con số 0 nhưng thực chất đã được chỉnh “vênh” lên 2- 3 lạng. Nổi tiếng trong... “nghệ thuật cân điêu” ở chợ này phải kể đến những người bán hàng hoa quả. Chiếc cân bàn 30kg đặt trên kệ lúc nào cũng ở số 0, nhưng đã được chỉnh để ăn gian thêm 3 lạng mỗi cân. 
 
Với loại cân điện tử, do cấu tạo phức tạp nên thường chỉ thợ chuyên nghiệp mới làm được. Và phương pháp phổ biến là gắn thêm các chip phía trong kết cấu của cân. Những chiếc chip này có điều khiển từ xa, tác dụng trong phạm vi 10m. Chỉ số trọng lượng mọi vật đặt lên cân sẽ đươc điều khiển theo ý muốn của chủ hàng. Con chip gian lận này chỉ thích hợp với loại cân từ một tạ trở lên và có giá khá cao, trên 1 triệu đồng/chiếc. Nhưng do độ “phức tạp” của cân điện tử, đa số người bán hàng đều mua các loại cân đĩa, cân đồng hồ đơn giản. 
 
Còn với chiếc cân dùng tay thô sơ, người bán chỉ cần có “kĩ năng” một chút là có thể đánh lừa người tiêu dùng. Mọi nguyên tắc của chiếc cân xách nằm ở ngón tay cái đeo khoen móc của cân xách. Chỉ một cú lẩy nhẹ, nhịp nhàng lên hoặc xuống theo cán cân là điều chỉnh ngay được trọng lượng theo ý muốn. 
 
Tăng nặng mức xử phạt
 
Nguyên nhân để xảy ra tình trạng cân điêu được cho là do thiếu sự quan tâm của cơ quan chức năng và người tiêu dùng, nạn cân điêu đang hoành hành ở hầu hết các chợ trong cả nước, điển hình là Hà Nội và TP HCM. Người tiêu dùng thì chỉ biết “ngậm bò hòn làm ngọt” chứ không biết bảo vệ quyền lợi của mình thế nào? 
 
Để giải quyết vấn nạn cân điêu, cân thiếu, từ cuối năm 2006, chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội đã lắp đặt hàng chục chiếc cân đối chứng  tại các chợ, hỗ trợ người mua chống lại nạn cân điêu. Còn có môt qui định, tại các điểm cân đối chứng phải có nhân viên điều hành ghi lại kết quả kiểm tra, nhắc nhở người cân thiếu phải có trách nhiệm cân đủ cho khách hàng. 
Người tiêu dùng luôn chịu thiệt khi mua hàng hóa dù ở bất cứ đâu
Người tiêu dùng luôn chịu thiệt khi mua hàng hóa dù ở bất cứ đâu
 
Theo quan sát của phóng viên, tại hầu hết các chợ lớn ở TP.Hà Nội đều có đặt cân đối chứng để người tiêu dùng cân kiểm tra lại hàng hóa nếu có nghi ngờ. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại nhiều năm qua là dường như những chiếc cân này đang bị chính người tiêu dùng cho vào “quên lãng”. Khảo sát tại các chợ Ngô Sĩ Liên (Đống Đa), chợ Xanh, chợ Bưởi, (Hà Đông), chợ Quan Nhân... đều không thấy có chiếc cân đối chứng nào. Thậm chí, khi hỏi đến chiếc cân này, ai cũng ngơ ngác vì không biết đó là loại cân gì.
 
 
"Mỗi lần mua hàng hóa gì đặt lên bàn cân tôi đều biết mình sẽ bị ăn gian trọng lượng. Biết đấy, nhưng biết kêu ai bây giờ? Đó là chưa kể nếu có "kêu" các bà hàng cá, hàng thịt này lại làm ầm lên rồi gây chuyện thì rất là phiền phức. Tốt nhất cứ lẳng lặng mà đi cho nhanh. Mất vài trăm đồng/kg cũng chẳng đáng là bao song lại tránh được cái họa khôn lường khi khiếu tố họ", Chị Nguyễn Yến (phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội)
 
 
Đại diện quản lí chợ Mai Động thừa nhận, cân đối chứng cũng xuất hiện tại chợ nhưng chỉ ít người dân biết và sử dụng, đa số người tiêu dùng chưa quan tâm đến cân này, nhiều người còn chưa biết đến. Từ trước tới giờ, hầu như không thấy bất kì một cơ quan quản lí nào đến kiểm tra những chiếc cân của tiểu thương trong chợ. 
 
Còn qui định về việc nhân viên điều hành phối hợp với ban quản lý chợ nhắc nhở người bán hàng thiếu quá mức quy định thì phải có biện pháp cân bù đủ cho người mua. Hay hằng tuần, nhân viên điều hành lập báo cáo gửi về Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng… nhưng cả người tiêu dùng và người quản lý xem ra đều không mấy quan tâm. 
 
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó, tiểu thương “cân điêu” sẽ bị phạt tiền từ 300 – 500 ngàn đồng, với hành vi sử dụng phương tiện đo có độ chính xác, phạm vi đo không đảm bảo quy định để thực hiện phép đo trong hoạt động thương mại bán lẻ. 
 
Và mức phạt có thể lên tới 3 – 5 triệu đồng nếu các hành vi không thực hiện việc kiểm định ban đầu đối với phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng để định lượng hàng hóa. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu phương tiện vi phạm. Quy định đưa ra như thế, nhưng cho đến nay, người tiêu dùng vẫn bị móc túi hằng ngày vì những hành vi cân điêu, cân thiếu ngày càng tinh vi và trên thực tế, hầu như chưa bao giờ người tiêu dùng dám đứng lên “kiện cáo” nạn cân điêu của các tiểu thường từ người đi chợ. 
 
Hơn nữa, mức phạt trên hầu như không đủ sức răn đe. Do đó, Luật đo lường mới được sửa đổi đã tăng thêm mức xử phạt bằng từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính đó. Hy vọng tới đây khi Luật Đo lường có hiệu lực, người tiêu dùng sẽ thực sự đảm bảo được quyền lợi của mình.  

(Còn nữa)
 
Minh Trang 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang