Người Việt ở Ukraina an toàn

author 09:58 26/02/2014

Những người Việt PV liên lạc đều cho rằng tình hình căng thẳng của tuần vừa rồi đã qua. Những diễn biến hiện tại được cho là ổn định và thuận lợi hơn.

Người dân ở Kiev bắt đầu tưởng nhớ những người đã thiệt mạng sau các vụ đụng độ mấy ngày qua Ảnh: Reuters

“Tình hình vắng lặng trở lại rồi, yên rồi - ông Phạm Văn Điền, 55 tuổi, người buôn bán ở chợ Troeshina tại thủ đô Kiev, mô tả - Ở ngoài chợ, người ta đã đi buôn bán lại bình thường”. Theo ông, việc chính quyền bầu xong tổng thống, chủ tịch quốc hội tạm quyền, phế truất những bộ trưởng cũ đã giúp tình hình ổn định trở lại.

“Không thể tan rã”

Yanukovych bị truy nã

Chính quyền mới ở Kiev hôm qua đã chính thức phát lệnh truy nã tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych vì tội danh giết người hàng loạt. Tân Bộ trưởng nội vụ Arsen Avakov viết trên trang Facebook cá nhân: “Đã có hồ sơ vụ án giết người hàng loạt. Yanukovych và những người chịu trách nhiệm đều đang bị truy nã”.

Ông Avakov cho biết đến tối 23-2 (giờ địa phương), ông Yanukovych vẫn còn ở vùng Crimea, nơi có hạm đội Biển Đen và là một vùng thân Nga ở phía nam. Ngay sau khi nghe tin quyền tổng thống đã được chuyển giao cho chủ tịch quốc hội, ông Yanukovych chạy về hướng căn cứ không quân Belbek ở vùng Crimea. Tuy nhiên trên đường chạy, ông Yanukovych đổi hướng khi nghe tin an ninh và mật vụ đang đợi ông ở căn cứ quân sự đó. Đoàn người của Yanukovych hiện chỉ còn ba xe và chạy hướng nào không ai rõ.

 

Ông Điền cho biết tình hình ở Kiev “hiện tốt hơn hẳn. Giao thông tốt hơn, xe cộ đi lại được dễ dàng, thông thoáng hơn vì mấy ngày trước phe đối lập tổ chức biểu tình chặn đường. Ở khu vực đường vành đai, trước đây chính quyền chặn không cho xe vào, giờ đã được đi lại bình thường. Ở quảng trường Maidan vẫn còn người nhưng mọi thứ đã bình yên hơn”.

Theo ông Điền, cộng đồng người Việt vẫn còn bàn tán nhưng không khí chung là “mọi người thấy yên tâm hơn với tình hình chính trị hiện tại”. Riêng một số người Việt đi làm ở các văn phòng và nhà máy vẫn đang ngồi nhà xem diễn tiến những ngày tới như thế nào.

Ông Điền kể rằng những ngày từ 20 đến 22-2 hết sức căng thẳng và “chỉ sợ nó tan rã và hỗn loạn mà thôi. Hiện nay thì chắc chắn không thể tan rã được”.

Tại Kharkov, nơi có khoảng 6.000 người Việt sinh sống và là thủ phủ của miền đông Ukraine, nơi có đông người thân Nga, ông Hồ Minh Cần (50 tuổi) đánh giá rằng “mọi thứ thấy bình thường. Nếu Nga có động tĩnh gì thì mới sợ”.

Theo ông Cần, một người sống 25 năm ở Ukraine, mấy ngày qua người dân ở Kharkov vẫn sinh hoạt bình thường vì miền đông không có đông lực lượng chống chính phủ. “Chỉ người Ukraine mới sợ bị kẹt giữa hai làn đạn (chính phủ mới và chính phủ cũ)”. Ông Cần giải thích: “Đến giờ người dân ở đây, dù thân Nga, cũng không muốn Nga can thiệp vì ai cũng sợ có can thiệp là sẽ có chiến tranh”.

Lý giải về sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Yanukovych, ông Cần nói: “Chế độ vừa qua thật ra không được lòng dân, ngay kể cả ở vùng này. Kinh tế quá xấu trong khi chính phủ của Yanukovych tham nhũng thái quá. Nếu mà được lòng dân thì dân ở đây sẽ không để yên như vậy đâu”.

Ông Cần cho biết mấy ngày trước những người Việt buôn bán ở Ukraine đã sơ tán nhiều tài sản có giá trị vì sợ bạo loạn và chiến tranh. Sau khi tổng thống Yanukovych bỏ chạy thì tình hình lương thực có vẻ đã ổn định trở lại.

“Mấy hôm trước, lương thực có vẻ tăng giá và sợ bị khan hiếm, nhưng giờ thì bình thường rồi. Riêng ở các trụ ATM vẫn giới hạn mức rút tiền 1.000 hryvnia/tháng (quy định mới áp dụng tuần trước)”. Theo ông Cần, ảnh hưởng nhất với cộng đồng người Việt buôn bán ngoài chợ là “dân lo tiết kiệm vì sợ chiến tranh nên sức mua giảm hẳn”.

Khó khăn chồng chất

Tổng thống tạm quyền của Ukraine Oleksander Turchinov ngay sau khi tiếp nhận vai trò đã khẳng định muốn duy trì quan hệ với Nga trên cơ sở “quan hệ mới, bình đẳng, láng giềng tốt và thừa nhận lựa chọn châu Âu của Ukraine”. Các cuộc đụng độ lẻ tẻ ở Crimea và một số vùng miền đông giữa người ủng hộ chính quyền mới và lực lượng thân Nga cho thấy nguy cơ về chia rẽ vẫn còn rất nóng ở đây. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Anna Poludenko, một nhà báo ở Kiev, nhận định: “Đây là trận chiến sinh tử của đất nước tôi”.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm qua đã thể hiện rõ sự giận dữ khi chất vấn tính hợp pháp của chính quyền mới và nói việc phương Tây thừa nhận chính quyền này là sai lầm. Theo ông Medvedev, nước Nga không thể chấp nhận chính quyền mới ở Kiev là đối tác để nói chuyện và không thể đàm phán với những kẻ nổi loạn cầm AK-47. “Nói thẳng là không có ai để chúng tôi liên lạc vào lúc này” - ông Medvedev nói.

Những lo ngại về sự can thiệp của Nga có thể thấy rõ khi bộ trưởng năng lượng tạm quyền tuyên bố hi vọng Nga sẽ không thay đổi giá khí đốt. Việc Tổng thống Nga Putin có chấp nhận thua ván cờ mà mới chỉ vài tháng trước ông tưởng chừng chắc thắng vẫn còn là dấu hỏi.

Nước Nga vẫn đang nắm yết hầu của Ukraine (nhà cung cấp khí đốt lớn nhất, cam kết về gói viện trợ) khi nền kinh tế nước này đang trên bờ phá sản. Nhưng đây cũng là lựa chọn khó khăn khi Kremlin vô cùng lo ngại bất ổn tràn từ Ukraine - một nước lớn hơn nhiều so với các nước cộng hòa tự trị - có thể lan vào Nga. Một Ukraine tan rã thực tế không có lợi cho Nga.

Nhưng với người dân Ukraine, những khó khăn còn đầy rẫy trước mắt. Chính Bộ trưởng tài chính tạm quyền Yuriy Kolobov đã thừa nhận tình hình khi khẳng định Ukraine cần viện trợ khoảng 35 tỉ USD từ nay tới cuối năm 2015.

Người Việt được khuyên không ra chợ

Ông Nguyễn Minh Trí, đại sứ Việt Nam ở Ukraine, trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại chiều 24-2: “Cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine có trên dưới 10.000 người, trong đó tập trung đông nhất ở thành phố Kharkov với 6.000 người, kế đến là Odessa khoảng 3.000 người, và ở thủ đô Kiev khoảng 1.000 người. Do tình hình xung đột, căng thẳng diễn ra ở Kiev nói chung và Ukraine nói riêng trong những ngày qua, cuộc sống và công việc kinh doanh của người Việt cũng bị ảnh hưởng nhất định.

Bà con được khuyên không ra chợ. Việc đi lại cũng khó khăn vì các phương tiện công cộng chưa hoạt động trở lại. Ngoài ra, các lực lượng quá khích cực đoan có nhiều hành động khủng bố và đe dọa. Tuy nhiên cho đến bây giờ, chưa có trường hợp người Việt nào bị thương hay trở thành nạn nhân của cuộc xung đột.

Trong những ngày qua, đại sứ quán đã chủ động ban hành một số biện pháp bảo vệ an toàn và tính mạng cho bà con cũng như bảo đảm an ninh cho các cơ quan đại diện, cán bộ nhân viên người Việt ở Ukraine, chẳng hạn như thiết lập đường dây nóng +380503320535/ +380503359097. Đại sứ quán cũng kịp thời liên lạc các hội đoàn Việt Nam ở các địa phương để cung cấp biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như khuyên bà con không đi đến chỗ đông người, những nơi nhạy cảm, xung đột để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Tuổi Trẻ cũng đã liên lạc với ông Trần Đức Tựa - chủ tịch Hội người Việt Nam ở tỉnh Kharkov - và được ông cho biết: “Tình hình chính trị không ổn định gần đây cũng gây chi phối lớn thật sự đến kinh tế và chính trị của Ukraine. Tuy nhiên không như các vùng nóng ở thủ đô Kiev, thành phố Kharkov khá yên bình. Thi thoảng cũng có những cuộc đối đầu, đụng độ nhưng chỉ khoảng 1-2 giờ thì giải tán thôi. Mọi người vẫn ra chợ, các cháu vẫn đi học bình thường. Dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam ở Ukraine, chúng tôi quán triệt bà con không đến những nơi nhạy cảm thường xảy ra xung đột”.

 

Theo Tuổi trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang