Nguồn nhân lực - chìa khóa phát triển điện hạt nhân

authorMinh Hà 16:19 28/04/2016

(VietQ.vn) - Nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nhà máy điện hạt nhân.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

 Để đáp ứng cho nhu cầu tại Việt Nam, hiện nay việc chuẩn bị nguồn nhân lực đang được các cấp chuẩn bị.

Theo ông Lê Doãn Phác, Chuyên viên cao cấp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ dự án điện hạt nhân.

Xin ông cho biết, kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận có gì thay đổi không? Việc xây dựng có gặp khó khăn gì không và đâu là khó khăn lớn nhất?

Kế hoạch khởi công Nhà máy điện hạt nhân có chút thay đổi, theo tôi có hai nguyên do: Thứ nhất là công tác chuẩn bị chưa đáp ứng được nhu cầu về hiệu quả kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân phát triển. Thứ hai là trong quy hoạch năng lượng có điều chỉnh.

Như chúng ta đã biết, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Công Thương điều chỉnh Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Trong quy hoạch đã chỉ rõ đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất). Nhưng điều chỉnh thế nào thì còn phải đợi Chính phủ nhưng điều đó cho chúng ta thấy rằng, Việt Nam vẫn thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. 

Tất nhiên, thách thức cũng nhiều với một dự án lớn như dự án điện hạt nhân. Thách thức ở đây cần hiều theo nghĩa rộng, vì đầu tư được hiểu không chỉ đầu tư thiết bị, máy móc cho nhà máy mà còn đầu tư về cơ sở hạ tầng. 

Nguồn nhân lực - chìa khóa phát triển điện hạt nhân

Chuyên gia Lê Doãn Phác cho rằng, nguồn nhân lực là chìa khóa phát triển điện hạt nhân. Ảnh: Tuyết Hoàn

Thách thức nhiều nhất là nguồn nhân lực, nguồn nhân lực sẽ quyết định mọi thứ. Nhân lực quản lý, nhân lực KH&CN. Nếu chúng ta chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì khi nhà máy hoạt động sẽ rẻ còn nếu nguồn nhân lực không tốt thì  dự án sẽ đắt lên và tiến độ dự án sẽ không đảm bảo.  Nên tôi nghĩ rằng, khi nào có nguồn nhân lực tốt thì dự án mới thực sự hiệu quả được. Nguồn nhân lực không phải chỉ trực tiếp ở nhà máy điện mà còn ở các cơ quan quản lý, pháp quy và giáo dục đào tạo. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động được nguồn nhân lực vì thuê rất tốt kém mà cũng không khó đủ nguồn cung cho một dự án lớn như vậy.

Công tác đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân đã đáp ứng đủ nhu cầu chưa, thưa ông? Mất khoảng bao nhiêu thời gian để hoàn thành công tác này?

Thực ra thì khái niệm đủ rất khó nói vì đủ phải đi với dự án mà dự án có điều chỉnh. Hiện nay dự án đào tạo tại Nga đã có một đội ngũ khoảng  240 người và có lẽ hai năm nữa là lứa đầu tiên về nước. Trong khi đó Nga vẫn cam kết mỗi năm giúp Việt Nam đào tạo khoảng 70 cán bộ tại Nga, Nhật thì cam kết đào tạo giúp Việt Nam 100 sinh viên phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân trong vòng 5 năm.

Có thể nói, cho đến nay hoạch đào tạo sinh viên cũng đã bắt đầu đi vào nề nếp, hiện nay một trong những vấn đề chú trọng là đào tạo cán bộ quản lý, chuyên gia, cán bộ cho các cơ quan pháp quy. Vấn đề được quan tâm là làm sao tăng cường được cơ sở đào tạo trong nước, vấn đề này cũng rất khó khăn và mất thời gian vì đào tạo cho điện hạt nhân cũng cần cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại, bên cạnh đó, cũng cần đội ngũ giáo viên phù hợp.

Để vận hành nhà máy điện hạt nhân cần phải phân biệt là hàng nghìn nhân lực. Tuy nhiên,  không hoàn toàn là trình độ đại học, trên đại học  hay điện hạt nhân mà còn nhiều lao động trong các lĩnh vực khác như cơ khí, bơm, hóa…có thể lấy từ ngành khác sang. 

Trong bối cảnh này đâu là giải pháp cho nguồn nhân lực, thưa ông?

Giải pháp thì đã khá rõ, Thủ tướng đã ký Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong năng lượng nguyên tử. Tất nhiên đề án đó tập trung đào tạo sinh viên vì đề án đào tạo 500 lượt cán bộ cho năng lượng nguyên tử không đủ cung cấp. Năm ngoái Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN xây dựng một kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên gia cho các cơ quan quản lý nhà nước và pháp quy.

Kế hoạch này Bộ KH&CN đang chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng. Bên cạnh đó, Chính phủ ra Nghị định ưu đãi người đi học và Thủ tướng cũng đã ký một số làm việc trong năng lượng nguyên tử thuộc 3 cơ quan  của Bộ KH&CN, có thể thời gian tới sẽ mở rộng đối tượng được ưu đãi. Nhân lực hiện nay tập trung vào chính sách thu hút nhưng nếu nói sâu xa phải hiểu rằng đây mới là chính sách để đi học còn lúc về điều kiện làm việc,  cơ sở vật chất, chính sách ưu đãi… đấy cũng là vấn đề rất lớn.

Chúng tôi cũng rất hy vọng vào Trung tâm KHCN hạt nhân mà Nga giúp Việt Nam, Bộ KH&CN là chủ đầu tư, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam là cơ quan thực hiện. Rất nhiều vấn đề cơ bản của dự án đã được thống nhất như thành phần, số lượng cán bộ,…hiện nay chỉ còn vấn đề chọn địa điểm phía Nam cho việc xây dựng Trung tâm khả thi.

Chính sách ưu đãi đào tạo nguồn nhần lực cho điện hạt nhân không chỉ dành cho học sinh đi đào tạo nước ngoài mà còn cả sinh viên trong nước, những sinh viên này có thể được ưu đãi ký túc xá,…sinh viên đat kết quả giỏi sẽ được học bổng cao. Chính sách ưu đãi của Chính phủ không chỉ dành cho trình độ đại học mà còn cả đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Hiện nay, kế hoạch đào tạo đã nằm trong kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có sự thống nhất, bàn bạc của nhiều bộ ngành có liên quan. Hiện nay, tập trung chính là đào tạo chuyên gia, kế hoạch đang chuẩn bị được trình và nếu được duyệt thì sẽ được đào tạo song song với đào tạo sịnh viên để chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai không xa.

Xin cảm ơn ông!

Hoàn Tuyết (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang