Nguy cơ mất an toàn từ phụ tùng, linh kiện giả nhái trên thị trường

author 06:23 30/12/2017

(VietQ.vn) - Thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, từ cuối tháng 7-2017 đến nay, các đoàn liên ngành đã kiểm tra, xử lý 113 vụ việc, trong đó phát hiện xử lý nhiều vụ liên quan đến phụ tùng, linh kiện giả, nhái các nhãn hiệu lớn.

Hiện nay tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng ôtô, xe máy, xe đạp điện và linh kiện đi kèm, đã được các cơ quan chức năng kiểm soát và có sự chỉ đạo sát sao của BCĐ 389 quốc gia, TP Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm chất lượng vẫn xảy ra.

 Cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ số lượng lớn phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy, xe đạp điện vi phạm nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh Chinhphu.vn

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, số lượng phụ tùng xe máy giả bị xử lý là 9.730 phụ tùng các loại. Trong đó, phần lớn là phụ tùng nhập lậu với tổng số lên tới 9.192 phụ tùng. Số còn lại là phụ tùng nhãn hiệu giả sản xuất trong nước.

Đối với mặt hàng xe máy và xe chạy điện thì trong 6 tháng đầu năm qua, tổng số vụ việc phát hiện và xử lý đã lên tới 733 với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 2 tỷ đồng với số tiền xử phạt là 1,2 tỷ đồng. Đáng chú ý là theo chia sẻ từ các ý kiến trong hội thảo cho thấy, lượng linh kiện giả, linh kiện nhập lậu từ Trung Quốc về rất lớn, mức tiêu thụ tại các thành phố lớn và vùng lân cận là chủ yếu.

Ông Nguyễn Trọng Tín cho hay, đối với các nhà sản xuất phương tiện giao thông nói chung và các nhà sản xuất xe máy nói riêng, phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu luôn là một vấn đề nhức nhối bởi phụ tùng giả mạo với chất lượng kém sẽ đe dọa đến chất lượng chung của phương tiện và an toàn của người sử dụng.

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường tồn tại nhiều mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy, xe điện, làm giả các nhãn hiệu như Honda, Toyota, BMW, Ford, Hyundai… Ngoài ra, các linh kiện, phụ tùng không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ kèm theo. Nhiều sản phẩm phụ tùng được phân phối đưa ra thị trường thông qua các garage ôtô, xe máy để sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nếu như không được kiểm soát về tiêu chuẩn chất lượng.

Mới đây, ngày 21/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12 (Chi cục QLTT TP Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phụ tùng ôtô tại ngõ 80/48 phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Vào thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại cơ sở đang bày trên các kệ và dưới đất gần 2.000 sản phẩm là phụ tùng, linh kiện ôtô do nước ngoài sản xuất.

Đại diện cơ sở là anh Trần Huy Đam (SN 1987), quê quán Lý Nhân, Hà Nam đã không cung cấp được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng nghìn sản phẩm lọc dầu lọc gió ôtô mang thương hiệu Toyota, Yamaha, Ford, Mazda... Đại diện cơ sở trình bày đã thu mua trôi nổi số hàng trên để mang bán cho các gara ôtô trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ số hàng ước tính trị giá hơn 200 triệu đồng.

Phụ tùng, linh kiện bị làm giả được phát hiện và thu giữ

Theo Đội Quản lý thị trường số 12, các mẫu này là hàng lậu và hàng giả. Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật, đơn vị đã gửi các mẫu sản phẩm nêu trên đưa đi giám định. Trước những diễn biến tiềm ẩn phức tạp trên thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tham gia giao thông, cũng như sự minh bạch trong cạnh tranh, BCĐ 389 TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra kiểm soát mặt hàng ôtô, xe máy, xe đạp điện và các loại linh kiện đi kèm.

Trong đó, Tiểu ban chỉ đạo kiểm tra xử lý đã được thành lập, cùng 2 đoàn liên ngành với các thành phần đại diện Chi cục QLTT (chủ trì), Phòng Cảnh sát kinh tế, Cục Hải quan, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ. Nội dung kiểm tra chủ yếu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kiểm tra công bố hợp chuẩn, hợp quy và việc gắn dấu hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa; kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và hóa đơn chứng từ của hàng hóa; kiểm tra việc thông báo thiết lập website thương mại điện tử mà không thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo đánh giá của Cơ quan Thường trực BCĐ 389 TP Hà Nội, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, kiến nghị, kịp thời xử lý những tồn tại trên lĩnh vực kinh doanh các loại mặt hàng này; đặc biệt góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh.

Phát hiện số lượng lớn phụ tùng ô tô Honda giả ở Hà Nội(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng Hà Nội vừa phát hiện 265 phụ tùng ô tô Honda không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang