Nguy hiểm khôn lường từ những hương thơm thường dùng quen thuộc

author 16:48 23/11/2016

(VietQ.vn) - Hàng ngày, nhiều người vẫn đang tiếp xúc với những hương thơm quen thuộc song không ai biết đó có thể là mối đe dọa cho sức khỏe của bạn.

Hóa chất tạo mùi trong hương nhang thơm có thể gây khó thở

Theo báo Gia đình & Xã hội, gần đến Tết Nguyên Đán là lúc thị trường bán hương nhang lại nở rộ. Hương nhang mới thường có mùi thơm của hoa hồng, hoa quế, hoa nhài… lưu lại rất lâu lại đang được nhiều gia đình tin dùng. Tuy nhiên, mới đây theo cảnh báo của các nhà khoa học, hóa chất tạo mùi giá rẻ tẩm vào hương khi đốt người ngửi vào sẽ thấy khó thở, buồn nôn, đầu óc quay cuồng, ngửi thường xuyên sẽ gây nhiễm độc gan, phổi.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khói hương có chứa Carbon monoxide (CO), Carbon dioxide (CO2), Sunfua dioxide (SO2), Nitơ dioxide (NO2), benzen, hợp chất hydrocacbon…

Hít phải những khí này có thể gây đau đầu, chóng mặt, suy nhược và buồn nôn, giảm khả năng lao động, gia tăng bệnh tim mạch, gây ra bệnh hô hấp, phá hủy tế bào, gây dị sản, loạn sản, và có thể dấn đến ung thư hoặc thậm chí là tử vong…

Nhiễm độc từ hương thơm của sách vở mới

Mùi sách mới cũng có nguy cơ nhiễm độc.

Mùi sách mới cũng có nguy cơ nhiễm độc. Ảnh minh họa 

Trước đó, Viện Công nghệ Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã từng khuyến cáo, đồ dùng học tập có mùi thơm, rẻ tiền thường sử dụng các loại hóa chất tạo mùi công nghiệp, có nồng độ độc hại cao do không đăng ký chất lượng, ngửi nhiều cơ thể dễ nhiễm độc.

Đặc biệt, nhiều bé tỏ ra thích thú, hít liên tục có thể bị ngộ độc thần kinh, gây đau đầu, chóng mặt, tập trung kém… Nguy hiểm là những sản phẩm này màu sắc rất bắt mắt, trẻ càng ngắm nghía, ngửi mùi thì nguy cơ độc hại càng lớn.

Hơn nữa, các sản phẩm chặn giấy nhiều màu sắc, có mùi thơm chứa một số kim loại nặng bao gồm chì, asen, Cd (cadmium), benzen với hàm lượng khá cao. Các nhà khoa học cảnh báo, khi nuốt phải chất Cd - độc hại sẽ tương tự thủy ngân, asen và chì vào cơ thể với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong.

Nguy cơ 'rước tá bệnh' nguy hiểm khi mua nội thất kém chất lượng cho trẻ(VietQ.vn) - Hiện nay trên thị trường đồ nội thất trẻ em vô cùng phong phú cả về hình dáng lẫn màu sắc nhưng nếu mua phải hàng kém chất lượng ẩn chứa nhiều nguy cơ.

Tinh dầu thơm “rởm” gây dị ứng

Theo báo Dân trí, nếu dùng phải tinh dầu rởm, tinh dầu hóa chất, hoặc dùng quá nhiều tinh dầu một lúc sẽ rất dễ bị dị ứng. Không nên dùng tinh dầu giá rẻ vì dễ là hương liệu tổng hợp, dùng lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe. Các nhà khoa học cho rằng, một số chất trong tạo hương thơm có độc tính đối với cơ thể, như toluen, aceton, focmaldehit… vì có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Những sản phẩm có mùi càng thơm, hương lưu lâu lại càng có nhiều hóa chất.

Theo chuyên gia, những người dị ứng mùi thơm khi tiếp xúc với hóa chất có mùi sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, các chứng bệnh về hô hấp, hen suyễn thứ phát..., thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ. Đa số cơ thể không thể hiện phản ứng hương thơm trong thời gian ngắn, mà chỉ phản ứng khi bị tác động lâu dài, "tích" đủ lượng… thì sẽ gây tổn hại sức khỏe.

Nến cốc cũng có chất độc

Những cốc nến thơm như thế này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.

Những cốc nến thơm như thế này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa 

Thông tin trên báo Lao động, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN phân tích, nến cốc loại mềm như thạch có 70-98% dầu parafin, 2-30% caosu tổng hợp thông dụng nhất là SEBS. Trong phân tử của SEBS chỉ có các nguyên tử hydro và cácbon nên khi cháy sẽ sinh ra CO2, H20. Tuy nhiên, cũng giống như dầu parafin, khi SEBS cháy không hoàn toàn, có thể tạo ra cácbon mônôxít (CO) và muội than sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp nếu người hít phải và gây kích thích da, mắt...

Bấc của nến cốc thường được sử dụng lõi chì vì giá rẻ giữ bấc đứng, lửa cháy đều, không tắt. Khi nến cháy, chì sẽ phát tán vào không khí dưới dạng muội. Người dùng hít nhiều khói nến sẽ bị nhiễm độc chì dẫn đến tích tụ chất độc trong người, gây chảy máu chân răng, đen chân răng, viêm lợi, ảnh hưởng đến cả đường ruột, gây viêm ruột, rối loạn tiêu hoá.

Các chuyên gia khuyến cáo, cần kiểm tra kỹ phần bấc khi mua nến. Tốt nhất là mua nến có bấc cotton (không lõi) hoặc bấc lõi giấy. Không nên để bấc nến quá dài, chỉ để bấc chừng < 0,6cm. Bấc càng dài, lửa càng lớn thì lượng muội khói độc càng nhiều.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang