Nhà khoa học không lãng quên nông dân

author 07:53 06/03/2014

(VietQ.vn) – Việc dùng thảo mộc làm thuốc trừ sâu đã được các nhà khoa học biết và sản xuất từ lâu. Nhưng vì sao các chế phẩm an toàn chưa đến được tay nông dân?

Sự kiện:

Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thị Vượng, Quyền Viện trưởng viện Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều năm nghiên cứu về chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật. Bà cho biết, gia đình của mình có 2 người thân bị ung thư, nên hiểu rõ nỗi đau của căn bệnh này và khát khao ngăn chặn các mầm mống gây bệnh từ thực phẩm.

PGS>TS Phạm Thị Vượng quyền viện trưởng viện BVTV

PGS.TS Phạm Thị Vượng quyền viện trưởng viện Bảo vệ thực vật

- Thưa Viện trưởng, dư luận gần đây có đưa tin về việc bác nông dân Lê Văn Đáo ở Hưng Yên làm thuốc trừ sâu từ thảo mộc. Vậy các nhà khoa học có biết đến loại thuốc “kỳ diệu” này không?

Ở Việt Nam, từ xa xưa nhân dân đã có kinh nghiệm sử dụng một số cây độc như hạt na, hạt củ đậu, cây bách bộ...để trừ chất, rận, giun sán. Từ năm 1960, công trình nghiên cứu của Nguyễn Thơ và Hoàng Anh đã nghiên cứu thuốc trừ sâu từ hạt thàn mát, hạt bã đậu, rễ cây dây mật. Năm 1979, Cục bảo vệ thực vật đã tiến hành điều tra, phân loại ươm trồng cây ruốc cá và sản xuất một số dạng chế phẩm trừ sâu từ cây này. Năm 1985, Trần Quang Hùng và đồng nghiệp đã tách chiết và xác định được hàm lượng rotenone trong rễ cây Deris elliptica...Nhiều tác giả đã viết sách hướng dẫn sử dụng cây cỏ để diệt sâu bệnh.

Năm 1992, Trung tâm KH&CN Việt Nam sản xuất thử các chế phẩm BQ-1 từ quả xoan và một số cây có tinh dầu khác, có tác dụng xua đuổi mọt hại trong kho lương thực. Lúc đó, ĐH Tổng hợp Hà Nội đã nghiên cứu một số chế phẩm từ thực vật như hạt thàn, hạt na, hạt củ đậu với các loại sâu hại rau và công bố năm 1990.

Năm 1993-1994, Viện Sinh thái đã sản xuất chế phẩm ST3 từ cây thanh hao hoa vàng, có hiệu lực với các loài sâu trên lúa và rau...

Riêng Viện Bảo vệ thực vật từ những năm thành lập đến nay đã nghiên cứu và sản xuất hàng loạt chế phẩm sinh học, thảo mộc và sản phẩm phi hoá học ứng dụng trong phòng chống dịch hại như: Tictack 13.2 BR; Bourbo 8.3 BR trừ ốc bươu vàng; bả Protein ENTO-Pro trừ ruồi đục quả; Phân bón vi sinh MT1 trừ tuyến trùng hại rễ; Pheromone giới tính trừ sâu hại rau; Metarhizium anisopliae; Beauveria bassiana;Trichoderma, bả diệt chuột sinh học; thuốc kích thích sinh trưởng diệp lục tố...

Như vậy, không phải là các nhà khoa học không biết về thuốc trừ sâu làm từ thảo mộc của ông Lê Văn Đáo. Vấn đề là sản phẩm đó có được sản xuất lớn, được nông dân sử dụng rộng rãi hay không?

Một số chế phẩm sinh học của Viện Bảo vệ thực vật

Một số chế phẩm sinh học của Viện Bảo vệ thực vật

Một chế phẩm sinh học đã được xuất khẩu

Một chế phẩm sinh học đã được xuất khẩu

- Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất nhiều chế phẩm sinh học trừ sâu từ lâu. Nhưng tại sao thị trường hiện nay tràn ngập thuốc hóa học từ Trung Quốc và nông dân lại ưa dùng các sản phẩm đó?

Có nhiều chế phẩm sinh học của Viện chúng tôi đã được bà con nông dân sử dụng nhiều năm nay và được ưa chuộng. Tuy nhiên, đúng là nhiều nông dân thích dùng thuốc hóa học để trừ sâu hơn.

Nguyên nhân đầu tiên vì hầu hết các chế phẩm có nguồn gốc sinh học đều ở dạng thô (dạng bột) nên phải ngâm mới phun được. Chúng ta chưa có công nghệ sản xuất hiện đại (tinh luyện) để tạo ra sản phẩm dạng nước. Vì vậy, nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho công đoạn này.

Mặt khác, thuốc có nguồn gốc thực vật không độc hại chỉ có khả năng quản lý được 60-70% rủi ro về sâu bệnh, chứ không thể hiệu quả tới 90% như các loại thuốc hóa học. Mà nông dân chúng ta chỉ muốn tác dụng ngay và nhanh, nên thích dùng thuốc hóa học hơn.

Hơn nữa, thuốc hóa học có tác dụng làm cho lá cây xanh, là điều mà người bán hàng ưa thích. Còn thuốc có nguồn gốc thảo mộc thì giá thành cao hơn (hiện nay, nguồn cung cấp thảo mộc đang cạn kiệt).

- Nhưng dùng thuốc hóa học sẽ gây nguy hại lớn cho sức khỏe con người ?

Đúng vậy. Ở góc độ nào đó, cũng giống như chúng ta dùng kháng sinh mà lạm dụng sẽ gây hậu quả. Việc dùng thuốc hóa học như hiện nay đã sản sinh ra các loài sâu kháng thuốc, lúc nào cũng có nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.

Mặt khác, thuốc hóa học cũng giết chết các loài thiên địch, có lợi cho cây trồng.

Quan trọng hơn cả là nó ảnh hướng đến sức khỏe, giống nòi người Việt, khi mà các chất hóa học tích tụ lâu trong cơ thể.

- Ở các nước tiên tiến, họ diệt trừ sâu bệnh như nào?

Nhiều chuyên gia của FAO (Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc) sang Việt Nam vẫn hay than phiền khi so sánh rằng: Cùng điều kiện khí hậu và điều kiện, nhưng nhiều vùng của Malaysia gần như không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, trong khi ở ta hiện sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật mà sâu bệnh vẫn tràn lan, ở Trung Quốc cũng vậy.

Ở Hàn Quốc, họ không nhập thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Họ quản lý rất chặt các loại thuốc bảo vệ thực vật. Còn ở Lào thì có những nơi không dùng thuốc trừ sâu. Nhiều nước tiên tiến khác cũng giảm đáng kể thuốc bảo vệ thực vật.

- Các nhà khoa học có mong muốn gì để đưa sản phẩm của mình tới đông đảo bà con nông dân?

Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng chương trình nghiên cứu về hiệu quả và ảnh hưởng của biện pháp phòng chống dịch hại cây trồng bằng thuốc bảo vệ thực vật, đề xuất chiến lược quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ dịch hại hướng tới hạn chế tối đa việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại trong sản xuất nông nghiệp bền vững ở nước ta.

Nếu được quan tâm đầu tư, chắc chắn sẽ có có các biện pháp quản lý thuốc hóa học hiệu quả, sẽ có nhiều chế phẩm sinh học được tinh luyện, phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nông dân.

Xin cảm ơn Viện trưởng !

Hoàng Tuân (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang