Phú Yên: Khẩn trương xử lý thiết bị phóng xạ cất dưới gầm cầu thang

authorHồng Anh 04:48 17/06/2015

(VietQ.vn) - Các cơ quan chức năng liên quan đang nỗ lực khẩn trương vào cuộc xử lý thiết bị máy đo độ chặt nền đường có chứa nguồn phóng xạ đang lưu giữ tại Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên.

UBND tỉnh Phú Yên vừa ký công văn yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý đối với thiết bị máy đo độ chặt nền đường có chứa nguồn phóng xạ đang lưu giữ tại Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên.

Trong quá trình kiểm tra, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Phú Yên đã phát hiện có phóng xạ với cường độ nhỏ từ một thiết bị đặt trong két sắt đựng tiền dưới chân cầu thang Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên.

Qua quá trình xem xét lịch sử thiết bị, Sở KH&CN Phú Yên cho biết, nguồn phóng xạ trên nằm trong máy đo độ chặt nền đường, được Ban Quản lý dự án 1 (PMU1 thuộc Bộ Giao thông vận tải) sử dụng trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Phú Yên vào những năm 2001-2002.

phát hiện có phóng xạ rò rỉ với cường độ nhỏ từ một thiết bị đặt trong két sắt đựng tiền dưới chân cầu thang Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên.

Phát hiện phóng xạ với cường độ nhỏ từ một thiết bị đặt trong két sắt dưới chân cầu thang Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên. Ảnh minh họa

Sau khi kết thúc dự án, tỉnh Phú Yên xin Bộ Giao thông vận tải toàn bộ gói thiết bị làm đường, trong đó có máy đo độ chặt nền đường có sử dụng nguồn phóng xạ. Thiết bị này chỉ ghi nhập từ Mỹ chứ không có lý lịch gốc, không có năm sản xuất, các thông số liên quan như model, sêri, hoạt độ nguồn. Sau đó, thiết bị này được giao cho Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên nhưng đơn vị này không biết sử dụng và cất vào kho.

Đến năm 2013, Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên chuyển trụ sở đến nơi khác và đơn vị tiếp quản trụ sở cũ không chấp nhận để chiếc máy có chứa nguồn phóng xạ này tại đây. Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên lại đem thiết bị bỏ vào một két sắt dùng đựng tiền để dưới chân cầu thang tại trụ sở mới.

Theo Phòng Quản lý công nghệ và bức xạ hạt nhân - Sở Khoa học công nghệ Phú Yên, quá trình kiểm tra phát hiện có tia phóng xạ cường độ nhỏ lọt ra ngoài, có nguy cơ gây mất an toàn về sức khỏe đối với những người ở gần.

"Chúng tôi nhận thấy việc bảo quản như vậy là không đảm bảo an toàn, có nguy cơ xì ra ngoài. Do đó, chúng tôi yêu cầu Trung tâm Tư vấn cầu đường khẩn trương làm việc với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để làm thủ tục chuyển giao thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên đến lưu giữ tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ của viện. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc cho UBND tỉnh, Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để chỉ đạo xử lý. Thông tin chúng tôi vừa nhận được là dự kiến một hai ngày tới Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt sẽ xuống kiểm tra rồi làm thủ tục tiếp nhận”- ông Anh cho biết.

Cũng trong hôm nay, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện ngay các biện pháp che chắn, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh đối với thiết bị này. Đồng thời, liên hệ với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để làm thủ tục chuyển giao thiết bị trên để đưa về kho lưu giữ chất thải phóng xạ của Viện.

Tỉnh Phú Yên yêu cầu, Sở Giao thông vận tải Phú Yên liên hệ với Ban quản lý dự án giao thông 1 (PMU1) để tìm kiếm, cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh lý lịch, nguồn gốc, xuất xứ của nguồn phóng xạ nói trên. Trường hợp không thể khôi phục thông tin ban đầu về nguồn phóng xạ, tỉnh yêu cầu Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên khẩn trương liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố - Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hoặc Trung tâm Hạt nhân TP Hồ Chí Minh để xác định các thông số liên quan (số model, seri, hoạt độ nguồn…) làm căn cứ đánh số, lập đặc trưng kỹ thuật mới cho các nguồn phóng xạ trong thiết bị trên để Cục An toàn bức xạ hạt nhân - Bộ KH&CN lập số liệu quản lý, gắn thiết bị định vị để giám sát nguồn phóng xạ này.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định việc lắp đặt thiết bị định vị và đã thông báo cho các đơn vị quản lý sử dụng nguồn phóng xạ về 3 đơn vị đủ điều kiện cung cấp thiết bị định vị là Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia TP HCM) và Viện Hóa học và Môi trường quân sự (Bộ Quốc phòng). Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đang sửa đổi Thông tư số 23 về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, quy định trách nhiệm và chế tài xử lý với cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ.

Gắn định vị trên thiết bị phóng xạ để kiểm soát an toàn

Gắn định vị trên thiết bị phóng xạ để kiểm soát an toàn. Ảnh minh họa

Trong lần trả lời báo giới mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân, Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định cụ thể.

Thủ tướng cũng đã ban hành Quy chế bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ và phê duyệt Đề án Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động chiếm đoạt, mua bán, làm mất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng bất hợp pháp nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân.

Ngay sau sự cố mất nguồn phóng xạ tại Nhà máy luyện phôi thép thuộc Pomina, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc, bảo đảm an toàn cho người dân.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang