Nhậu say được quán đưa về: Bao giờ thực hiện?

author 08:14 09/12/2014

Theo ông Chủ tịch Hiệp Hội Rượu - bia - nước giải khát, thực hiện ý tưởng "nhậu say được quán đưa về" ngay cả bản thân ông cũng thấy rất khó, tuy nhiên vẫn phải làm. Một năm không được thì chờ 10 năm.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết sẽ thí điểm tổ chức mô hình “Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông” ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM vào tháng 1.2015, trong đó có dịch vụ Nhậu say được quán đưa về
Đây là ý tưởng phối hợp giữa cơ quan này với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát nhằm kiểm soát, hạn chế tình huống xấu do người uống rượu bia lái xe gây ra trong dịp Tết Nguyên đán 2015.
Đề xuất trên vừa đưa ra nhanh chóng nhận được phản hồi từ người dân đến các chủ kinh doanh bia, đồ giải khát. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, với ý tưởng kinh doanh như vậy sẽ khá tốt trong việc góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều người cũng nghi ngờ tính khả thi của dự án này. 
 Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp Hội Rượu - bia - nước giải khát về vấn đề này.
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát, ông đánh giá tính khả thi của dự án này như thế nào?
Trên thế giới đã có dịch vụ này rồi như ở Trung Quốc, Hàn Quốc họ đã có từ mấy năm trước đây và làm rất tốt. Mà cái gì tốt thì mình làm theo, được đến đâu ta cố gắng đến đó. Ý tưởng này do Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đề xuất, mong muốn làm sao lái xe uống rượu bia trong dịp Tết này hạn chế tình huống xấu xảy ra là đúng quá rồi. 
Ý tưởng trở nên tốt hơn nếu anh nào uống say, không tự lái xe được sẽ có người khác phục vụ như xe ôm, xe taxi đến chở về. 
Tôi đánh giá ý tưởng này là tốt và Hiệp hội sẽ cố gắng hợp tác. Trong quá trình thực hiện dự án, vừa làm vừa vận động người uống rượu, người lái xe tuân thủ chứ một lúc mà có kết quả tốt đẹp luôn thì rất khó. 
Từ tốt đẹp ở đây có nghĩa là người dân tự giác làm theo, giảm uống đi hoặc uống nhưng tự biết điểm dừng. Năm đầu tiên chỉ là khởi động sau đó nhân lên, năm nay không được thì sang năm, sang năm nữa. 
Chúng ta nên ủng hộ từ người làm đến người thực hiện bằng cách giáo dục, truyền thông, mỗi người góp chút công sức vào cùng làm thì sẽ có kết quả khả thi. Chứ nói ra mà không ai làm, bỏ ngay thì sẽ không bao giờ thành công được.  
Hôm vừa rồi mới công bố kế hoạch triển khai, trọng tâm nhất trong tháng Tết, còn sau đó sẽ tiếp tục thực hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành Phố HCM.
Nhiều ý kiến cho rằng, trên thế giới đã có dịch vụ đưa người say về tận nhà vì dân trí họ rất cao, còn ở Việt Nam mà áp dụng cái này thì khó khăn. Ví dụ như người say xỉn có thể đánh xe ôm, chủ cửa hàng và không đảm bảo được tài sản của họ để lại… Quan điểm của ông về vấn đề này?
Mình vẫn phải cố gắng mà làm thôi, không làm trước thì sau cũng phải làm. Trên tinh thần là vận động, thuyết phục người nhậu tự giác thuê xe chở về. Còn cửa hàng cứ bán hàng như bình thường. 
Như hôm nọ có anh đã nói với tôi rằng vận động cái này khó khăn lắm, hành chính hóa sẽ làm mất hết khách hàng của người ta, như vậy là không được. Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh lại rằng, bước đầu mình làm thí điểm một số nhà hàng lớn, vận động họ cùng tham gia chứ không phải là bắt buộc. 
Nếu nói làm như vậy cửa hàng có thể bị mất khách hoặc không đảm bảo được tài sản của khách hàng khi nhậu xỉn là không nên bởi vì như vừa rồi có hai CSGT trong Vũng Tàu đâm chết người. Chúng ta phải biết nhìn vào cái lợi ích lớn hơn, cái mục tiêu lớn hơn để làm chứ không chỉ nhìn vào một khía cạnh rồi phán xét là nên hay không nên.  
Nhiều người cũng lo ngại rằng, cho dù có sự phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ này thì bao nhiêu người, bao nhiêu mặt bằng nhận giữ xe qua đêm cho xuể? Trong khi mật độ quán nhậu ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều dày đặc. Ông nghĩ sao về việc này?
Vấn đề ở đây chính là xã hội hóa. Mình sẽ làm dần dần. ông say thì có xe ôm, có taxi đến chở, còn xe của ông sẽ lại có người khác chở về tận nhà. Để đảm bảo tài sản của người say, tất nhiên, ban đầu các cơ quan nhà nước tìm đến các cửa hàng kinh doanh đồ giải khát đều là những nơi chân chính, văn minh, thuyết phục chủ cửa hàng thực hiện thí điểm. Quán nào đồng ý tham gia thực hiện thí điểm sẽ nhận được những sự hỗ trợ nhất định từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát.
Mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng ta vẫn tổ chức thực hiện, phát sinh cái gì ta giải quyết tiếp. Tất nhiên vẫn chỉ là phong trào chứ chưa thể đưa vào hành chính bắt buộc. 
Để thực hiện được dự án, theo ông cần phải chủ động những gì?
Bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục bàn cụ thể cũng như đánh giá về sự khả thi của dịch vụ này. Tôi là người đại diện bên các nhà hàng doanh nghiệp tôi cũng thấy rất khó. Tuy nhiên, tôi vẫn chủ động xem doanh nghiệp có gặp khó khăn gì để vận động họ tình nguyện thực hiện theo chứ không bắt buộc. 
Nói chung chả ai bắt người say phải đi xe ôm về. Mình chỉ vận động, thuyết phục, giáo dục tuyên truyền là chính. Công an chỉ bắt ông nào vi phạm luật giao thông còn người ta không làm theo thì cũng chả làm gì được người ta, người ta có say xỉn, dắt xe ngật ngưỡng bên đường cũng kệ người ta thôi.
Dự án này sẽ giúp cho chính những người uống rượu an toàn hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông vì rượu bia. Chừng nào chưa dẹp bớt được thói quen nhậu nhẹt thì vẫn còn những người say bí tỉ gục giữa đường đêm khuya, tự tông xe vào cột đèn, hại mình, hại người... Nếu chúng ta cùng nhau tích cực làm thì có thể 2 năm, 3 năm, hoặc 10 năm sẽ có kết quả tốt chứ một tháng chưa thể nói được điều gì. 

 

Theo Motthegioi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang