Nhọc nhằn gồng gánh mưu sinh dưới chân cầu

author 07:42 26/09/2013

(VietQ.vn) - Ban ngày họ gánh hàng rong ruổi khắp các ngóc ngách, vỉa hè. Ban đêm họ lại quây quần trong những căn nhà xập xệ, ẩm thấp, tồi tàn dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội). Những người đàn bà từ những vùng quê nghèo đã chấp nhận cuộc sống tạm bợ như thế chỉ vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Chị Lê Thị Mai đang bán hàng cho khách tại Phố Châu Long, Ba Đình, Hà Nội giữa thời tiết nắng nóng

Còm cõi với “gánh phận cuộc đời”

Con đường vào chợ Long Biên lúc chiều tà vãn người, mặt đường ẩm ướt, nham nhở rác rưởi. Mùi nước thải, rác rưởi, hoa quả thối bốc lên nồng nặc khiến người ta cảm tưởng như đang ngồi trên bãi rác. Phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) nằm ẩn mình sau chợ Long Biên. Những con hẽm sâu hun hút dẫn lối vào những dãy nhà xập xề, tồi tàn_nơi trú ngụ của những người đàn bà gồng gánh bán rong. Gần 8 giờ tối những người đàn bà mới lững thững trở về phòng trọ chuẩn bị cơm nước sau một ngày ròng rã ngoài đường. Ở phường Phúc Xá này phần lớn những người đàn bà làm nghề gòng gánh chủ yếu đến từ các vùng quê nghèo của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa…Họ buôn bán chủ yếu là hoa quả, đồng nát, bún đậu… với phương tiện hành nghề là đôi quang cũ kĩ.

Cứ vậy ngày ngày họ gánh hàng tỏa đi khắp nơi đề kiếm sống bất kể những ngày mưa, nắng bão bùng. Một ngày làm việc bắt đầu từ sáng sớm cho tới tận tối mịt. Những ngày nắng tới 40ºC họ vẫn gánh trên vai tới 80kg hàng, mồ hôi dàn dụa, rồi những ngày mưa bão họ chỉ biết lấy vỉa hè làm chỗ trú chân. Họ chấp nhận vất vả, khó nhọc để tích cóp từng đồng tiền lẻ gửi về nuôi con ăn học.Chị Lê Thị Mai (Yên Phú, Hưng yên) gắn bó với nghề gần hai mươi năm kể từ khi chồng bị bệnh rồi mất, từ đó một tay chị nuôi 2 con ăn học bằng chính cái nghề này. Khi kể về cuộc đời mình chị không khỏi ngậm ngùi: “Chồng mất lúc 26 tuổi , hai con nhỏ một đứa lên 3, đứa lên 7 tiền không có, ruộng đồng ở quê thì công ty lấy hết. Con cái đang tuổi ăn tuổi học nên đành lặn lội ra ngoài này đi chợ. Phải đi từ sáng sớm đến tận 7, 8 giờ tối mới được về, trưa thì ngồi ở vỉa hè ăn cơm bụi. Những ngày nắng nôi phải nép vào vìa hè nhiều nhà thương hại còn gọi cho mình vào nghỉ tạm lúc trưa.  Có năm chiều 30 tết vẫn chưa được về quê, nghĩ cũng thấy tủi thân lắm”.

Nói về nỗi vất vả của nghề gồng gánh chị Đào Thị Hà (26 tuổi, Hưng Yên) cho biết : “Nghề này mệt mỏi lắm, thật sự nản luôn, chẳng biết kéo dài được bao lâu. Lăn lộn với cuộc sống sớm nắng chiều mưa giống như “đống mỡ nổi” ấy.Những hôm trời nắng mồ hôi ướt đến hai lần áo, mặc luôn 2 tầng áo ướt để đẩy xe hàng đến 80 kg, ướt hết áo trong áo ngoài ngoài lau khô được, lát đi đường lại ướt tiếp.Có những hôm trời mưa sấm sét cứ ngồi co ro một thó ở góc đường,có hôm đầy xe hàng chẳng bán được. Những hôm hàng bị thối coi như mất trắng.”

Chị Nguyễn Thị Phượng (Kim Động, Hưng Yên) rong ruổi với gánh hàng bún đậu tại chân cầu Long Biên

Cũng làm nghề gồng gánh hơn 15 năm chị Nguyễn Thị Phượng (Kim Động , Hưng Yên) có hoàn cảnh hết sức éo le, chồng bị bệnh tiểu đường gần chục năm nay, một tay chị gồng gánh nuôi 2 người con ăn học đại học(Học viện tài chính, Đại Học Kinh tế Quốc dân) và người con út học cấp ba. Kể về cuộc đời của mình đó là những giọt nước mắt thấm đẫm cái tủi, cái cực của chị “ Khổ sở, vất vả lắm, kể làm gì!”. Không chỉ lo tiền đóng học cho con chị còn phải lo thuốc thang cho chồng, mới đây đứa con út của chị phải vào viện mổ vách ngăn tốn gần 20 mươi triệu chị lại phải vay mượn để chữa trị cho con chứ tiền gồng gánh bán bún đậu ngày gần trăm bạc chả thấm vào đâu.

Bác Nguyễn Thị Hằng số nhà 50B, phố Châu Long (Ba Đình, Hà Nội) là người hay trò chuyện với những người làm nghề gánh rong tâm sự : “ Bản thân tôi cũng xuất phát từ nông thôn nên cũng hiểu nổi vất vả của chị em. Làm nghề này vất vả, khó nhọc lắm, đi từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về. Lắm hôm tôi thấy chị em khóc dở, mếu dở vì mua phải thùng hàng thối, chả dám kêu ca, đành  ngậm ngùi mất trắng, kêu ca nó lại đánh cho.Nhiều hôm thấy nắng to quá mình cũng chả giúp được gì nhiều, chỉ bảo chị em vào nhà nghỉ ngơi, uống cốc nước cho đỡ mệt mỏi.”

Những mối hiểm nguy rình rập

Để có được hoa quả gánh đi bán, họ phải dậy thật sớm đến các chủ hàng mua những thùng hoa quả đóng kín mà không hề được xem trước. Cho nên may mắn thì mua được thùng hoa quả còn tươi ngon. Không may mua phải thùng hàng thối họ đành mất trắng mà không dám mở miệng phàn nàn, kêu cả nửa lời. Vì nếu họ kêu ca đòi trả lại tiền hoặc đổi thùng hàng khác sẽ bị các chủ hàng này quát mắng, thậm chí còn cho người làm đánh cho thâm tím mặt mày. Chị L.T.M.( Yên Phú, Hưng Yên) nhớ lại lần mua hai hùng hoa quả thối tại một chủ hàng trong chợ Long Biên đã bị nhân viên của cửa hàng này dằn mặt “ Lần đó mua hai thùng roi 400.000 đồng tại cửa hàng Sơn Nhà, sau đó bật ra thì thối hết.Tôi ra bảo thì bị chủ của hàng cho nhân viên tát, tôi đành phải bỏ chạy.”

Chị Lê Thị Mai (Hưng Yên) tại phòng trọ xập xệ, chặt chội ở phường Phúc Xá, Ba Đình Hà Nội

Ngay cả khi mua được hàng gánh đi bán, họ còn bị bọn lừa đảo cướp hết tiền. Nói về những lần gặp phải bọn lừa bịp, cô Nguyễn Thị Sông (Hưng yên) bức xúc: “Nhiều hôm bán hàng gặp phải bọn lừa  bịp, chúng cứ tráo đi tráo lại hàng bảo cân thiếu rồi bảo tôi đi cân lại, thế là chúng làm trò thôi miên mất hết tiền nong trong người.”

Không chỉ vất vả rong ruổi khắp nơi để tích cóp từng đồng tiền lẻ, những người đàn bà ở xóm quang gánh này còn đối mặt với không ít những hiểm nguy không chỉ bị lừa đảo mất hết tiền nong phải đổ mồ hôi mới kiếm được mà còn bị đe dọa đến cả tính mạng nếu trây vào các chủ hàng hoa quả tại chợ Long Biên…Thế nhưng vì miếng cơm manh áo họ đành chấp nhận bươn chải kiếm sống chỉ mong sao các con không phải vất vả, khó nhọc như mình. Cứ thế, ngày ngày họ lại ý ới nhau gồng gánh những quảy hàng rong ruổi khắp các ngóc ngách, vỉa hè bất kể ngày mưa, nắng bão bùng.

Nhật Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang